Xử lý hành vi lạm dụng quyền thăm nuôi con để gây ảnh hưởng đến người trực tiếp nuôi con
Năm 2015 tôi kết hôn. Đến năm 2016 tôi đơn phương làm đơn li hôn, lý do chồng tôi là người rất tồi tệ, có hành động đánh tôi khi tôi đang mang thai, khi tôi sinh con anh còn đánh chửi, nhiều lần dọa giết cả gia đình tôi. do tôi không thể tiếp tục chịu đựng nên đã làm xong thủ tục li hôn. lúc li hôn, con trai tôi gần 6 tháng, tòa cho phép tôi là người giám hộ bé. Chồng cũ của tôi lợi dụng quyền được thăm con nhiều lần đến thăm, chửi bới, lăng mạ, có lần còn dùng dao định xát hại tôi nhưng do có người can nên không thành. Từ đó đến nay, mỗi lần đến thăm là mỗi lần tôi phải chịu đựng, tôi rất sợ 1 ngày nào đó khả năng chịu đựng của tôi không còn, con tôi 1 ngày lớn, thấy cảnh cha nó chửi bới đánh mẹ nó rồi nghe những điều không hay, bé sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý, tôi không biết phải làm sao. Hãy tư vấn giúp tôi. Tôi xin cảm ơn !
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn tối Công ty Luật Minh Gia, với tình huống của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Thứ nhất, về quyền thăm nom con
Theo quy định tại Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 :
"Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình
Hơn nữa,Theo khoản 1 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn: “Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.”
Khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
“Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”
Đối với trường hợp của bạn thì sau khi ly hôn thì Tòa án đã giao con cho bạn trực tiếp nuôi. Về nguyên tắc thì chồng bạn hoàn toàn có quyền đến thăm non con của hai người mà bạn không có quyền ngăn cản vì lý do không chính đáng. Tuy nhiên thì theo như bạn trình bày thì người chồng cũ thường lạm dụng quyền thăm con để đến xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bạn, hơn nữa còn có những hành vi bạo lực thì trong trường hợp này bạn có thể yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom trên của chồng bạn theo khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
Bạn có thể yêu cầu tòa án hạn chế quyền của chồng bạn với con trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 85 Luật hôn nhân gia đình năm 2014:
“Điều 85. Hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên
1. Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:
a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
b) Phá tán tài sản của con;
c) Có lối sống đồi trụy;
d) Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
2. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 86 của Luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này”.
Thứ hai, về hành vi chửi bới và có hành vi dùng dao sát hại bạn
Căn cứ theo Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định:
Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
Do đó, nếu chồng bạn còn đến và có những lời nói hoặc hành vi xúc phạm bạn thì bạn có thể tố cáo hành vi trên với cơ quan công an để người ta xem xét và xử phạt chồng cũ của bạn.
Nếu hành vi xúc phạm của chồng bạn gây ra hậu quả nghiêm trọng thì bạn có thể yêu cầu cơ quan công an xử lý về hành vi làm nhục người khác theo Bộ luật hình sự 2015
Hơn nữa, chồng cũ của bạn còn có hành vi dùng dao sát hại bạn nhưng không thành thì nếu có đầy đủ căn cứ thì trong trường hợp này thì chồng cũ của bạn có thể bị truy cứu về tội giết người nhưng chưa đạt bởi vì do có người ngăn cản không để chồng cũ bạn thực hiện được hành vi trên.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất