Hoàng Tuấn Anh

Tư vấn quyền thừa kế di sản là căn nhà của mẹ

Bố tôi ở với vợ hai, có 8 con. Ông mất năm 1995 ở nhà con vợ hai. Mẹ tôi mất năm 2010. Mẹ tôi để lại căn nhà mặt đường trị giá hiện khoảng 4 tỉ. Mẹ tôi có 6 con. Sau khi mẹ tôi mất, vợ chồng chị gái cả tôi ra phá sửa chữa ở kinh doanh - không nói với các em câu nào. Lúc đó cô em út không có chồng đang ở đó.

 

Chị tôi "đá thúng đụng nia " nên cô ấy  bỏ đi. Chúng tôi phản đối yêu cầu họp anh em. Chị tôi tuyên bố là đã mua nhà từ anh tôi năm 2000 trị giá 170 tiệu . Đã trả cho anh tôi 70 triệu có giấy biên nhận tiền. Còn 100 triệu chị nói  đã trả dần mẹ tôi 500 triệu/tháng và đã trả 50 triệu còn 50 triệu mới đóng góp xây từ đường cho mẹ. Việc anh chị tôi bán nhà mẹ tôi cho nhau chúng tôi có biết nhưng không đồng ý. Chúng tôi bàn bạc em út không có nghề ổn định nên đề nghị chị ngăn đôi nhà cho em út ở phần sau. Anh trai tôi lại không ký giấy. Hiện nay con gái chị tôi đang thuê của chị tôi bán hàng . Cô út đang ở thuê trên Hà Nội. Thỏa thuận kiểu gì chị tôi cũng không trả nhà. Chị tôi đã từ mặt các em không đến giỗ mẹ đã 6 năm rồi. Tôi đang định kiện ra tòa giải quyết. Vậy có đúng không? Chỉ mình tôi đứng đơn có được không ? Có phải chỉ mình tôi phải chịu án phí ? Những người đồng thừa kế không phản đối tôi nhưng không chịu đứng đơn cùng tôi vậy tòa có thụ lý không ạ ? Và nếu giải quyết thì hướng thế nào? Và có liên quan gì đến bố tôi và 8 người con bà hai? Kính mong được các anh chị tư vấn giùm. Tôi xin vô cùng biết ơn!

 

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn về cho Công ty Luật Minh Gia. Về vấn đề của bạn, Luật Minh Gia xin được giải đáp như sau:

 

Về vấn đề thứ nhất, để xác định bạn có quyền khởi kiện chị bạn ra tòa án hay không cần xem xét các vấn đề sau: ai là người có quyền khởi kiện? mâu thuẫn giữa bạn và chị có thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án? đã quá thời hiệu khởi kiện hay chưa?  

 

Về chủ thể có quyền khởi kiện, Điều 4 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp như sau:

 

Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác”.

 

Đồng thời, Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về đương sự trong vụ việc dân sự đã định nghĩa nguyên đơn là:

 

người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm”

 

Như vậy, nếu bạn nhận thấy quyền lợi của mình bị ảnh hưởng, bạn có thể khởi kiện chị bạn ra tòa án với tư cách nguyên đơn mà không cần người khác đứng đơn cùng.   

 

Tranh chấp giữa bạn và chị bạn được xác định là tranh chấp về thừa kế tài sản hoặc tranh chấp quyền sở hữu tài sản. Tài sản trong trường hợp này là quyền sở hữu nhà ở thuộc di sản của mẹ bạn. Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bao gồm “tranh chấp về thừa kế tài sản” và “tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản”. Như vậy, tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa bạn và chị gái.

 

Về thời hiệu khởi kiện:

 

Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà bạn có quyền để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật quy định khác. Theo đó, Điều 184 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định “thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự”. Đồng thời Điều 645 Bộ luật dân sự 2005 quy định thời hiệu khởi kiện về thừa kế để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời điểm mở thừa kế lại được tính là thời điểm người có tài sản chết theo Điều 633 Bộ luật dân sự 2005.

 

Như vậy, mẹ bạn mất từ năm 2010, tức thời điểm mở thừa kế là vào thời điểm mẹ bạn mất vào năm 2010. Tính đến nay là 6 năm trong khi thời hiệu khởi kiện thừa kế là 10 năm. Như vậy, trường hợp của bạn đáp ứng điều kiện về thời hiệu. 

 

Về án phí và tiền tạm ứng án phí:

 

Vì bạn là người khởi kiện nên bạn phải nộp tiền tạm ứng án phí theo Điều 146 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Trong trường hợp bạn thuộc đối tượng được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí là cá nhân thuộc diện nghèo theo quy định của Chính phủ thì sẽ bạn sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính này. Còn án phí được chia làm án phí sơ thẩm và án phí phúc thẩm. Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm là Đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm. Trong đó đương sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nói cách khác, nếu yêu cầu của bạn không được tòa án chấp nhận thì bạn là người phải chịu án phí.

 

Về vấn đề thứ hai

 

Để xác định nếu kiện thì di sản của mẹ bạn sẽ được phân chia như thế nào cần xem xét nguồn gốc tài sản. Căn nhà là tài sản chung của bố và mẹ bạn hay tài sản riêng của mẹ bạn?

 

Trường hợp 1: Nếu là tài sản chung của bố và mẹ bạn thì sẽ có cách phân chia khác với trường hợp căn nhà là tài sản riêng của mẹ bạn. Trước tiên, di sản chia thừa kế của mẹ bạn gồm phần tài sản riêng thuộc sở hữu của mẹ bạn, phần tài sản riêng trong khối tài sản chung của mẹ bạn với người khác. 

 

Nếu căn nhà là tài sản hợp pháp do bố, mẹ bạn xây dựng dựa trên lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân hoặc bố mẹ bạn có do được tặng cho hoặc thừa kế chung hoặc là bố mẹ bạn thỏa thuận là tài sản chung thì đây là tài sản chung. Trong trường hợp căn nhà là tài sản chung, tức bố và mẹ bạn là đồng chủ sở hữu căn nhà. Khi bố bạn mất, về nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia đôi:

 

- Nếu bố bạn mất có để lại di chúc, một nửa căn nhà sẽ được chia theo ý nguyện ghi lại trong di chúc. Một nửa còn lại sẽ là tài sản của mẹ bạn.

 

- Nếu bố bạn mất không để lại di chúc, di sản của bố bạn sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế của bố bạn. Trong trường hợp này sẽ liên quan đến 8 người con riêng vì họ thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố bạn cùng với mẹ bạn và các anh chị em của bạn. Tức là nếu bố bạn mất không để lại di chúc, một nửa căn nhà là phần di sản của bố bạn sẽ được chia đều cho 8 người con riêng, bạn và các anh chị em của mình, mẹ bạn. Mỗi người sẽ được một suất thừa kế bằng nhau. Lúc này di sản thừa kế của mẹ bạn sẽ là một nửa căn nhà cộng với phần thừa kế từ bố bạn. Cách phân chia di sản của mẹ bạn sẽ tương tự như phân tích dưới đây.   

 

Trường hợp 2: Nếu căn nhà là tài sản riêng của mẹ bạn, toàn bộ căn nhà sẽ là di sản chia thừa kế. Hai hướng giải quyết sẽ như sau: mẹ bạn có để lại di chúc và mẹ bạn không để lại di chúc.

 

- Nếu mẹ bạn mất để lại di chúc, căn nhà sẽ được phân chia theo ý chí của mẹ bạn ghi nhận trong di chúc.

 

- Nếu mẹ bạn mất không để lại di chúc, di sản sẽ được chia theo pháp luật. Theo Điều 676 Bộ luật dân sự 2015 về người thừa kế theo pháp luật, hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Khoản 2 Điều này quy định những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Như vậy, cả căn nhà sẽ được chia đều cho các con của mẹ bạn, mỗi người một phần bằng nhau.

 

Tiếp theo, đối với giao dịch mua bán căn nhà giữa anh chị bạn. Nếu mẹ bạn mất không có di chúc hoặc có di chúc nhưng trong di chúc không để lại toàn bộ phần di sản cho anh của bạn, tuy nhiên anh trai bạn lại giao kết hợp đồng mua bán với chị gái bạn thì giao dịch này có dấu hiệu vô hiệu. Theo Điều 197 Bộ luật dân sự 2005 về quyền định đoạt của chủ sở hữu:

 

Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.

 

Trong trường hợp này anh bạn không phải chủ sở hữu nên không có quyền mua bán tài sản. Đồng thời anh trai cũng không nhận được sự ủy quyền từ mẹ hay các đồng thừa kế để định đoạt tài sản thông qua hợp đồng mua bán. Do đó giao dịch giữa anh và chị bạn có dấu hiệu vô hiệu theo Điều 127 Bộ luật dân sự 2005 về giao dịch dân sự vô hiệu. Theo đó giao dịch không đáp ứng được một trong các điều kiện là mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật. Theo Điều 137 Bộ luật dân sự 2005, hậu quả pháp lý của giao dịch mua bán nhà này là các bên khôi phục tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng vật thì phải hoàn trả bằng tiền.     

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Xin tư vấn quyền thừa kế di sản là căn nhà của mẹ. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV. Chu Hoàng Hải - Công ty luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo