LS Thanh Hương

Xác định tư cách đương sự, bị hại thế nào?

Luật sư tư vấn trường hợp bị chiếm đoạt tài sản và những cách thức kiện đòi, tư cách của đương sự trong vụ việc dân sự và quyền tố giác tội phạm của công dân

Câu hỏi:

Chuyện là cháu có 1 người bạn  A,nhờ cháu chuyển số tiền 70tr vào 1 số tài khoản chị B ở Việt nam(cháu dùng stk ở việt nam để chuyển) Sau khi chuyển xong được 1 ngày thì bạn A có thông báo lại là đã bị lừa và muốn cháu ra ngân hàng và công an trình báo. Cháu đã ra ngân hàng và công an trình báo, phía ngân hàng đã cung cấp sdt của chị B, Cháu cùng bạn A đã liên lạc với chị B để giải thich lấy lại số tiền trên. Chị B nói rằng số tiền đó là của bạn chị ấy nhờ người gửi vào stk của chị ấy và bạn chị ấy đã rút hết. Cháu xin hỏi:trong trường hợp này cháu có thể đứng ra thay bạn A đứng ra khởi kiện dc ko ạh. Trường hợp cháu ko về nước để trực tiếp khởi kiện được,cháu có thể viết giấy uỷ quyền cho ng khác khởi kiện chị B dc ko ạh. Cách viết giấy sao cho phù hợp. Mong được sự trợ giúp của cô (chú ) luật Minh Gia. Cháu xin cảm ơn!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Vì bạn không cung cấp cụ thể thông tin chị B lừa đảo như thế nào để chiếm đoạt 70 triệu của hai bạn, nên chị B có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với một trong hai tội danh sau theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015:

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

Để xác định chính xác tội danh của bà B trong trường hợp này, cần xem xét hành vi của bà B có dấu hiệu cấu thành tội phạm nào trong hai tội danh trên. Nếu nay từ đầu bà B đã có ý định đưa ra thông tin giả nhằm chiếm đoạt số tiền của bạn thì tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ được xác lập. Còn trong trường hợp, ban đầu bà B cùng bạn thực hiện giao dịch một cách thiện chí, sau đó mới phát sinh những vấn đề như: có điều kiện trả nhưng cố tình không trả, dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản đó,… thì bà B sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Nếu bạn muốn xử lý vụ việc theo hướng kiện dân sự, dưới hình thức kiện đòi tài sản, thì bạn có thể tham gia vào vụ việc với tư cách nguyên đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Bộ luật Tố tụng Dân sự có quy định tại Điều 68 như sau:

Điều 68. Đương sự trong vụ việc dân sự 

... 2. Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm.

4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Theo thông tin bạn cung cấp thì khoản tiền chuyển cho bà B là tiền của bạn do được chị A nhờ . Do vậy, vẫn có thể xác định là quyền và lợi ích chính đáng của bạn và chị A đang bị hành vi của bà B xâm phạm, bạn và chị A có thể đưa đơn khởi kiện với tư cách nguyên đơn.

Còn trong trường hợp, bạn muốn chị A tự thực hiện việc đòi lại tài sản, thì chị A do là người trực tiếp giao kết thỏa thuận chuyển tiền với bà B nên phải tự mình thực hiện thủ tục kiện đòi tài sản. Về phía bạn, do nhận được lời nhờ vả của chị A nên mới chuyển tiền, nên nếu muốn đòi lại tài sản thì có thể đòi trực tiếp từ chị A. Khi đó, bạn sẽ tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Còn nếu hai bạn muốn giải quyết theo thủ tục tố tụng Hình sự, để yêu cầu bà B chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật, thì chỉ cần báo cáo với cơ quan điều tra vụ việc này dưới hình thức tố giác tội phạm, mà không cần xem xét tư cách của mình trong vụ án này.

Bộ luật tố tụng Hình sự có quy định tại Điều 143 và Điều 144 như sau:

Điều 143. Căn cứ khởi tố vụ án hình sự

Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:

1. Tố giác của cá nhân;

2. Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

3. Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;

4. Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;

5. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;

6. Người phạm tội tự thú.

Điều 144. Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

Theo đó, tố giác của cá nhân cũng được coi là một trong những căn cứ để khởi tố vụ án hình sự. Bạn không nhất thiết phải là người bị hại trong vụ án hình sự mới có thể tố giác tội phạm. Như vậy, bạn có thể làm đơn tố giác gửi ra cơ quan công an tại địa phương để đưa vụ việc này ra giải quyết.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169