Phạm Diệu

Xác định tài sản chung, riêng của vợ chồng và chia thừa kế khi một bên mất?

Luật sư tư vấn về vấn đề xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng và chia di sản thừa kế khi một bên mất. Nội dung tư vấn như sau:

 

Kính gửi Luật sư. Gia đình chúng tôi có một số câu hỏi liên quan đến việc thừa kế tài sản như sau: Sau Khi Mẹ chúng tôi mất năm 2002, đến năm 2005 bố tôi có tái hôn (có đăng ký kết hôn) với một người phụ nữ khác (Bà B). Năm 2016 chẳng may bố tôi gặp tai nạn qua đời và không để lại di chúc. Bố tôi có ba khu đất hình thành từ 1992-2003, trong đó 1 lô đất đã ra sổ từ năm 1992, còn hai lô còn lại hiện chưa ra sổ đất. Theo thông tin chúng tôi được biết, Bà B có hai lô đất đều đã được cấp sổ năm 2015. Vì thế chúng tôi kính nhờ luật sư tư vấn cho chúng tôi những điều như sau:

1.     Nếu Bà B mua đất theo hợp đồng mua bán với công ty BĐS A từ năm 2003 nhưng đến năm 2015 công ty BĐS A mới hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý, nên công ty mới thực hiện công chứng hợp đồng mua bán và cấp sổ cho bà B ( sổ chỉ đứng tên bà B không có tên bố tôi) thì tài sản này có được tính là tài sản chung giữa bố tôi và bà B không? Trường hợp lô đất được mua trong năm 2009 có công chứng, nhưng đến năm 2015 mới cấp sổ đỏ cho bà B (chỉ đứng tên bà B không có tên bố tôi ) thì có được xem là tài sản chung không?

2.     Đối với hai lô đất hiện vẫn chưa ra sổ của bố tôi mua trước khi mẹ chúng tôi mất (cả hai lô đất đều được mua bán bằng giấy tờ tay giữa bố tôi và bên bán) có đóng thuế đầy đủ, tuy nhiên khi đăng ký đóng thuế thì đất được chia ra làm hai phần để đóng thuế, một phần bố tôi trực tiếp đóng (ghi tên bố) phần còn lại do chị tôi đóng (ghi tên chị tôi). Luật sư cho chúng tôi hỏi tài sản được thừa kế tính trên tổng tài sản bố tôi ký với bên bán hay tính trên tổng tài sản bố tôi thực hiện nghĩa vụ đóng thuế (do bố tôi cũng thực hiện đứng tên mua bán đất hộ họ hàng (do họ hàng không có hộ khẩu và cư trú tại địa phương mua tài sản) nhiều nhưng bố tôi không đứng tên đóng thuế)?

3.     Đối với tài sản riêng của bố tôi hình thành trước hôn nhân với bà B, trong thời gian tranh chấp tài sản, lỡ may bà B mất (do bà B cũng lớn tuổi) thì hai con Riêng của bà B (bà B có con riêng với chồng trước và không có con chung với bố tôi), thì hai con riêng của bà B có nhận được phần thừa kế tài sản của bố tôi không?

4.     Khi khởi kiện và nộp hồ sơ cho Tòa Án, Chúng tôi chỉ biết thông tin về số thửa, số giấy chứng nhận QSH của thửa đất đang tranh chấp (không có bản phô/gốc giấy tờ đất do bà B không đồng ý cung cấp) thì có đủ cơ sở để tòa án tiếp nhận đơn khởi kiện không?

5.     Các tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân được tính là tài sản chung, vậy nghĩa vụ chứng minh tài sản riêng là bà B phải thực hiện hay chúng tôi phải chứng minh tài sản bà B đang đứng là tài sản chung? (chúng tôi chỉ được biết là bố tôi có góp tiền mua đất với bà B không biết là bao nhiêu và khi nào).

Rất mong luật sư xem hồ sơ và có thể giải đáp thúc mắc của gia đình Chúng tôi.Trân trọng!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

1. Tại Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định cụ thể về tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng như sau:

 

Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

 

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

 

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

 

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

 

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

 

Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng

 

1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

 

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.

 

Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên:

 

Nếu bà B mua đất theo hợp đồng mua bán với Công ty bất động sản A từ năm 2003 nhưng đến năm 2015 Công ty bất động sản A mới hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý, công chứng hợp đồng mua bán và cấp sổ mang tên bà B thì tài sản này được xác định là tài sản riêng của bà B vì tài sản này được mua trước thời kì hôn nhân giữa bà B và bố bạn.

 

Ngoài ra, đối với lô đất được mua trong năm 2009. Tuy nhiên, đến năm 2015 được cấp sổ đứng tên bà B. Ở đây, để xác định là tài sản chung hay tài sản riêng thì phải căn cứ vào nguồn gốc hình thành tài sản. Trường hợp, lô đất này được mua năm 2009, trong thời kì hôn nhân và do công sức đóng góp, tạo lập giữa bố bạn và bà B, dù chỉ có bà B đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì lô đất này vẫn là tài sản chung của 2 người.

 

Trường hợp, nếu lô đất được mua năm 2009, mua trong thời kì hôn nhân giữa bố bạn và bà B. Tuy nhiên, nếu bà B chứng minh được lô đất này là do bà B mua từ việc sử dụng tài sản riêng của bà, không có sự đóng góp của bố bạn thì lô đất đó là tài sản riêng của bà B.

 

2. Tại Điều 612 Bộ luật dân sự 2015 quy định về di sản như sau: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.”.

 

Căn cứ theo quy định trên, di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Do đó, khi bố bạn mất không để lại di chúc thì di sản thừa kế sẽ bao gồm tài sản của bố bạn và phần tài sản của bố bạn trong tài sản chung với bà B.  

 

Ngoài ra, theo thông tin bạn cho biết, đối với 2 lô đất còn lại mua trong thời kỳ hôn nhân trước khi mẹ bạn mất đến nay chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy tờ mua bán đứng tên bố bạn, có thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ. Tuy nhiên, khi đăng ký đóng thuế thì đất được chia ra làm hai phần để đóng thuế, một phần bố bạn trực tiếp đóng (ghi tên bố), phần còn lại do chị bạn đóng (ghi tên chị bạn). Việc nộp thuế sử dụng đất chỉ thể hiện ai đang là người trực tiếp sử dụng đất. Do đó, nếu việc mua bán bố bạn đã xác lập trước đó đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì toàn bộ diện tích đất nói trên (bao gồm cả diện tích đất do chị bạn sử dụng) là chung vợ chồng thuộc quyền sử dụng của bố và mẹ bạn và được coi là di sản thừa kế để phân chia. 

 

3. Do bố bạn mất không để lại di chúc nên di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật cho hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

 

“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

 

 1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

 a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 …”.

 

Căn cứ quy định trên, khi bố bạn mất không để lại di chúc thì phần di sản thừa kế sẽ được chia đều cho hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: bố, mẹ (của bố bạn nếu còn sống), vợ (bà B), các con ruột, con nuôi hợp pháp (nếu có). Những người thừa kế cùng hàng sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

Như vậy, trong trường hợp này, hai người con riêng của bà B không thuộc hàng thừa kế của bố bạn. Do đó sẽ không được hưởng phần di sản thừa kế từ bố bạn.

 

4. Tại Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:

 

Điều 189. Hình thức, nội dung đơn khởi kiện

 

4. Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:

 

a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

 

b) Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;

 

c) Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).

 

Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;

 

d) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);

 

đ) Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;

 

e) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).

 

Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

 

g) Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

 

h) Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);

 

i) Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.

 

5. Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.

 

Như vậy, trong trường hợp này, thông tin bạn cung cấp không rõ ràng, vấn đề khởi kiện ở đây là gì? Khởi kiện yêu cầu xác định tài sản chung, riêng của vợ chồng hay yêu cầu phân chia di sản thừa kế? Do đó, để giải quyết vấn đề tranh chấp thì bạn phải cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh như: Hợp đồng chuyển nhượng đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.v.v.Trường hợp nếu không cung cấp được tài liệu, chứng cứ tại thời điểm khởi kiện thì có thể xin Tòa án bổ sung trong quá trình giải quyết.

 

Về phía bà B nếu không cung cấp giấy tờ để giải quyết tranh chấp thì gia đình bạn có thể nhờ Tòa án can thiệp.

 

5. Về nghĩa vụ chứng minh:

 

Căn cứ tại Điều 91 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ chứng minh như sau:

 

“1. Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp,…”.

 

Như vậy, trường hợp nếu phía bạn khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định tài sản bà B đang đứng tên là tài sản chung của bố bạn và bà B thì phía bạn phải có nghĩa vụ thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh tài sản đó là tài sản chung. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

CV tư vấn: Phạm Diệu - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo