Web đen là gì? Chia sẻ trang web đen bị phạt thế nào?
Mục lục bài viết
1. Khái niệm web đen
Web đen có thể được hiểu theo hai nghĩa. Thứ nhất, web đen là dark web, những trang web bí ẩn và rùng rợn, chứa nội dung độc hại được lan truyền trên internet mà phải dùng những công cụ đặc biệt mới truy cập được. Thứ hai, web đen là web 18+, nơi xuất hiện các cảnh như khỏa thân hoặc quan hệ tình dục. Dark web là khái niệm chưa quá phổ biến ở Việt Nam vì việc truy cập vào dark web phải có những công cụ đặc biệt. Do đó, chúng ta thường hiểu khái niệm web đen theo nghĩa thứ hai nhiều hơn bởi việc truy cập vào các trang web 18+ có phần dễ dàng hơn, dễ tiếp cận với nhiều người hơn và do đó phổ biến trong suy nghĩ của người Việt Nam hơn.
Việc truy cập các trang web dành cho "người lớn" có thể khiến người ta thỏa mãn sự tò mò trước mắt, nhưng luôn có vấn đề về lâu dài. Quyền riêng tư và bảo mật của chúng ta có nguy cơ gặp rủi ro rất lớn, từ việc theo dõi cookie đến những trò lừa đảo trên trang web "người lớn". Bên cạnh đó, mặc dù bản thân việc truy cập các trang web đen không phải là hành vi bị cấm nhưng nếu không cẩn thận, chúng ta rất dễ rơi vào một số những rủi ro pháp lý nhất định.
2. Mức xử phạt khi chia sẻ trang web đen
Hiện tại, pháp luật Việt Nam không có quy định cụ thể về hành vi chia sẻ trang web đen mà đây sẽ được xem như là một trong các hình thức truyền bá văn hóa phẩm có nội dung khiêu dâm, đồi trụy. Trong đó “Đồi trụy” là sự thể hiện bằng hành động, bằng hình ảnh, bằng âm thanh lối sống ăn chơi, tiêu khiển thấp hèn, xấu xa, hư hỏng đến mức tồi tệ về đạo đức, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; còn “Khiêu dâm” là hành vi dùng cử chỉ, hành động, hình ảnh, âm thanh gây kích thích ham muốn tình dục (Khoản 4 và 5 Điều 3 Nghị định 178/2004/NĐ-CP). Đây là hành vi là phổ biến cho người khác biết các vật phẩm có tính chất ăn chơi đàng điếm, dâm ô hoặc khêu gợi những ý thức thúc đẩy con người thỏa mãn lối sống ăn chơi đàng điếm, dâm ô bằng các thủ đoạn như: làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, sử dụng, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến hoặc có hành vi khác truyền bá những vật phẩm văn hóa có tính chất đồi trụy.
Tùy theo mức độ vi phạm, hành vi chia sẻ web đen sẽ bị xử phạt hành chính hoặc nặng nề hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ nhất, về mức xử phạt vi phạm hành chính:
Khoản 4 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP xử lý hành vi chia sẻ văn hóa phẩm đồi trụy như sau:
Điều 102. Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
b) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; dâm ô, đồi trụy, mê tín dị đoan, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Thứ hai, về trách nhiệm hình sự:
Điều 326 Bộ luật Hình sự quy định về tội truyền bá văn hóa phẩm như sau:
Điều 326. Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy
1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB);
b) Ảnh có số lượng từ 100 ảnh đến dưới 200 ảnh;
c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 đơn vị đến dưới 100 đơn vị;
d) Phổ biến cho từ 10 người đến 20 người;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 05 gigabyte (GB) đến dưới 10 gigabyte (GB);
c) Ảnh có số lượng từ 200 ảnh đến dưới 500 ảnh;
d) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 100 đơn vị đến dưới 200 đơn vị;
đ) Phổ biến cho từ 21 người đến 100 người;
e) Phổ biến cho người dưới 18 tuổi;
g) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng 10 gigabyte (GB) trở lên;
b) Ảnh có số lượng 500 ảnh trở lên;
c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng 200 đơn vị trở lên;
d) Phổ biến cho 101 người trở lên.”
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vây, nhìn chung, mức độ nghiêm trọng của trách nhiệm pháp lý mà cá nhân, tổ chức phải gánh chịu khi chia sẻ web đen sẽ phụ thuộc chủ yếu vào số lượng dữ liệu lưu trữ và số lượng người chia sẻ. Pháp luật không cấm việc truy cập web đen vì đây là quyền riêng tư của mỗi cá nhân và không thể kiểm soát hết; song rõ ràng có xu hướng hạn chế đến mức tối đa việc biết đến và truy cập những trang web này vì những ảnh hưởng tiêu cực mà nó đem lại đến thuần phong mỹ tục, văn hóa đạo đức truyền thống của dân tộc cũng như đời sống xã hội hằng ngày của người dân.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất