LS Vy Huyền

Về việc chuyển nhượng bảo hiểm nhân thọ

Câu hỏi: Tôi xin hỏi quý công ty một việc: Trước đây tôi có đứng ra mua bảo hiểm nhân thọ cho mẹ tôi là người thụ hưởng. Nhưng hiện nay mẹ tôi muốn ủy quyền qua cho tôi sử dụng số tiền bảo hiểm đó, nhưng người được sở hữu số tiền đó là mẹ tôi, giờ tôi phải làm sao để có thể nhận số tiền bảo hiểm đó được. Mẹ tôi là người không thể viết, hay nói cách khác là người không biết chữ. Kính mong quý công ty tư vấn giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn.

 

=> Tư vấn pháp luật Bảo hiểm, gọi: 900.1933

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Về trường hợp của bạn, có thể có hai phương án giải quyết như sau:

 

Cách thứ nhất: Mẹ bạn có thể để lại một bản di chúc. Trong bản di chúc này ghi rõ nội dung số tiền từ bảo hiểm nhân thọ sẽ thuộc quyền sở hữu của bạn. Vì không biết chữ nên mẹ bạn có thể nhờ người khác viết di chúc. Trong trường hợp này, phải có ít nhất là hai người làm chứng. Mẹ bạn phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của mẹ ban và ký vào bản di chúc. Hoặc mẹ bạn có thể đến ủy ban nhân dân phường để tiến hành lập di chúc theo quy định tại Điều 636 Bộ luật dân sự năm 2015. Cụ thể:

 

“1. Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã ký vào bản di chúc.

 

2. Trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.”

 

Cách thứ hai: Bạn và mẹ bạn soạn thảo một bản hợp đồng quy định về việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm. Cụ thể Điều 26 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 quy định về chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm như sau:

 

“1. Bên mua bảo hiểm có thể chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

 

2. Việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm chỉ có hiệu lực trong trường hợp bên mua bảo hiểm thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc chuyển nhượng và doanh nghiệp bảo hiểm có văn bản chấp thuận việc chuyển nhượng đó, trừ trường hợp việc chuyển nhượng được thực hiện theo tập quán quốc tế.”

 

Như vậy với hợp đồng chuyển nhượng này bạn có thể nhận được quyền sở hữu tiền bảo hiểm nhân thọ của mẹ bạn. Tuy nhiên về vấn đề chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ còn khá nhiều bất cập và tranh cãi vì hợp đồng này liên quan đến con người, nên sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề xoay quanh điều kiện đối người nhận chuyển nhượng như thế nào, có cần có sự đồng ý của người được bảo hiểm hay không… Do vậy bạn và mẹ bạn có thể cân nhắc để lựa chọn được cách thức phù hợp nhất.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Về việc chuyển nhượng bảo hiểm nhân thọ. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Luật gia: Trần Hoàng Việt – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn