Trần Tuấn Hùng

Về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đồng phạm

Xin chào luật sư! Xin luật sư tư vấn cho tôi một trường hợp về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau: Chị A có lợi dụng mối quan hệ với quan chức ở một Sở để xin được tiền làm dự án của nhà nước là 650 triệu đồng, số tiền này được chia làm 2 giai đoạn giải ngân, lần 1: 350 triệu, lần 2: 300 triệu.

Nội dung tư vấn: Chị A có nhờ anh B viết cho công ty chị A một dự án và cũng nhờ anh B đứng ra làm chủ nhiệm thực hiện dự án đó. Dự án này không có thật, chỉ là thủ tục để hợp thức hóa việc lấy được số tiền 650 triệu kia. Anh B nhận giúp chị A còn tiền chị A nhận hết, nhưng khi làm được hết giai đoạn 1 thì anh B xin thôi, chị A đồng ý nhưng vẫn làm giả chữ ký của anh B ở giai đoạn 2 của dự án. Bây giờ chị A bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 650 triệu. Vậy xin hỏi luật sư về trách nhiệm hình sự của anh B có nằm trong khung hình phạt cùng chị A không?, Cụ thể anh B có thể bị hình phạt như thế nào? Và anh B có hy vọng gì để giảm nhẹ được tội không? Hình phạt nhẹ nhất là thế nào? Tôi xin cám ơn và mong được hồi đáp sớm!
 
Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia chúng tôi. Về trường hợp của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:
 

Điều 17 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định về đồng phạm như sau:


Điều 17. Đồng phạm

 

1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

 

2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

 

3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

 

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

 

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

 

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

 

Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

 

4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành. 


Trong trường hợp này, anh B đã đồng ý giúp chị A làm giả giấy tờ về dự án cũng như đứng tên thực hiện dự án giả đó. Tuy anh B không nhận tiền nhưng hành vi của anh B là hành vi giúp sức tạo điều kiện để chị A thực hiện tội phạm. Do đó, anh B là đồng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò người giúp sức.

Điều 174 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

 

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

 

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

 

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

 

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

 

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

 

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu anh B đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và là người có năng lực trách nhiệm hình sự thì với hành vi làm giấy tờ để làm giả dự án chiếm đoạt số tiền 650 triệu đồng thuộc vào khung hình phạt quy định tại Khoản 4 sẽ bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm , tù chung thân hoặc tử hình.

Theo thông tin bạn cung cấp thì số tiền mà chị A lừa đảo được chia làm hai giai đoạn để giải ngân. Lần 1: 350 triệu, lần 2: 300 triệu. Sau giai đoạn 1 anh B đã xin thôi. Tuy nhiên, hành vi xin thôi của anh B không thuộc vào trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo Điều 19 BLHS. Vì những lý do sau:

Điều 16 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:

Điều 16. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội

 

Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản.

 

Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.


Như vậy, để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội khi thỏa mãn hai điều kiện sau:

Thứ nhất, việc chấm dứt không thực hiện tiếp tội phạm xảy ra khi tội phạm đang ở giai đoạn chuẩn bị hoặc ở giai đoạn chưa đạt chưa hoàn thành. Trong trường hợp này, anh B tuy đã xin thôi khi xong giai đoạn 1 và được sự đồng ý của chị A, tại thời điểm đó tuy tội phạm chưa hoàn thành nhưng hậu quả đã xảy ra. Việc anh B dừng lại không thực hiện tiếp giai đoạn 2 không ngăn cản được việc hậu quả nguy hiểm cho xã hội xảy ra.

Thứ hai, được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội khi chủ thể dừng lại không thực hiện tiếp tội phạm phải hoàn thành do động lực bên trong chứ không phải trở ngại khách quan chi phối. Khi dừng lại, người phạm tội vẫn tin rằng, hiện tại không có gì ngăn cản và vẫn có thể thực hiện tiếp tội phạm. Trường hợp này, vì bạn không nói rõ lý do anh B xin thôi  khi xong giai đoạn 1 là gì nên chúng tôi mặc định anh B thỏa mãn điều kiện này.

Như vậy, anh B không thỏa mãn hết tất cả các điều kiện của việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Do đó, không được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
 
Về việc giảm nhẹ hình phạt cho anh B:
 
Điều 58 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định về việc quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm như sau:
 
Điều 58. Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm

 

Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.

 

Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.


 
Trường hợp này, anh B muốn được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì nên tự thú, thành khẩn khai báo, hợp tác với cơ quan điều tra trong việc điều tra, xác minh vụ việc những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm Hình sự của anh B có thể khai thác trong quy định tại Điều 51 của Bộ luật Hình sự 2015.
 
Như vậy, tùy vào tính chất cũng như mức độ hành vi, mức độ tham gia phạm tội, tính chất đồng phạm cũng như tình tiết giảm nhẹ thì anh B sẽ được Tòa án xem xét giảm nhẹ hình phạt và đưa ra hình phạt thích đáng nhất.

 

Trân trọng!
CV La Điểm – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo