Hoài Nam

Vay tiền không chịu trả còn đe dọa uy hiếp tính mạng thì phạm tội gì?

Luật sư tư vấn trường hợp cho người khác vay tiền tuy nhiên người vay khất lên khất xuống, thực tế thì không chịu trả thì phải xử lý thế nào? Cụ thể như sau:

Chào văn phòng Luật sưEm có một vấn đề như sau muốn bên mình tư vấn giúp. Em có cho người là cấp trên cùng công ty em 1 số tiền tương đối lớn. Tuy nhiên người này khất lên khất xuống, thực tế thì không chịu trả. Lúc đầu có mượn em kêu 1 ngày trả ngay tuy nhiên tới bây giờ đã là 8 tháng. Hiện tại, người này đã chuyển chỗ làm, vẫn giữ được liên lạc song cứ nói đến ngày này ngày khác nhưng cuối cùng k chịu trả. Bây giờ còn đe dọa em rằng nếu em làm ầm ĩ hay tới nhà sẽ cho xã hội đen tới gặp em và dí súng vào đầu em.Em có giấy vay tiền và đang mang bầu.Rất mong nhận được phản hồi  của Quý Luật sư, cảm ơn Văn phòng rất nhiều.

 

Trả lời tư vấn: Xin chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Với câu hỏi này chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì có thể xác định hành vi của người vay tiền bạn mà không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho bạn theo thỏa thuận mà còn đe dọa đến tính mạng của bạn. Theo đó hành vi của người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 Bộ luật hình sự) và tội đe dọa giết người (Điều 133)

 

Các dấu hiệu của tội phạm lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:

 

1. Chủ thể

 

- Phạm tội trong trường hợp quy định tại Khoản 1, 2 Điều 175 thì người phạm tội phải đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự

 

- Phạm tội trong trường hợp quy định tại Khoản 3, 4 Điều 175 thì người phạm tội phải đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự

 

2. Khách thể

 

Khách thể của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cũng tương tự như các tội chiếp đoạt khác, nhưng tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản không xâm phạm đến quan hệ nhân thân chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu.

 

Nếu sau khi chiếm đoạt tài sản, người phạm tội bị đuổi bắt có hành vi chống trả để tẩu thoát gây chết hoặc làm bị thương người khác thì có thể bị truy cứu thêm trách nhiệm hình sự về tội khác.

 

3. Mặt khách quan của tội phạm

 

- Hành vi: bao gồm các giai đoạn:

 

+) Người phạm tội có được tài sản một cách hợp pháp thông qua hợp đồng vay, mượn, thuê tài sản hoặc hợp đồng khác

 

+) Sau khi có được tài sản, người phạm tội không thực hiện như cam kết trong hợp đồng, sử dụng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản.

 

- Hậu quả: người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản, hoặc đã bỏ trốn, hoặc không còn khả năng trả lại tài sản.

 

Người phạm tội chiếm đoạt được tài sản có giá trị từ 4 triệu đồng trở lên, nếu tài sản có giá trị dưới 4 triệu đồng thì phải kèm theo điều kiện gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm mới thì mới cấu thành tội phạm.

 

4. Mặt chủ quan của tội phạm

 

- Lỗi cố ý

 

- Mục đích: chiếm đoạt tài sản

 

Do bạn chưa nêu rõ số tiền mà người đó chiếm đoạt được tài sản là bao nhiêu nên căn cứ vào quy định tại Điều 175 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017 như sau:

 

“Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

 

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

 

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản...”

 

Về tội đe dọa giết người bạn có thể tham khảo Điều 133 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017 như sau:

 

“Điều 133. Tội đe dọa giết người

 

1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

 

a) Đối với 02 người trở lên;

 

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

 

c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

 

d) Đối với người dưới 16 tuổi;

 

đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.”

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo