Vay tiền cố tình không trả có bị phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không?
Nội dung tư vấn: Dear Luật Minh Gia. Em có thế chấp lương của bản thân cho một người bạn vay số tiền 330 triệu đồng tại hai ngân Hàng để làm ăn nhưng không ký giấy nợ chỉ thoả thuận bằng miệng. Một thời gian khá dài bạn ấy nói cho người khác vay và người đó nhận vay nhưng em không biết mặt hay số điện thoại mà chỉ biết qua mạng xã hội. Và người đó cũng không chịu thanh toán khoản nợ kia làm cuộc sống hiện tại của em rất khó khăn.
Hỏi: Cho em xin hỏi em có thể kiện người bạn của em về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản không ạ? Cảm ơn luật minh gia đã tiếp nhận câu hỏi và mong sớm nhận được giải đáp.
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Đối với trường hợp này của bạn, do thông tin bạn cung cấp không rõ việc bạn dùng bảng lương của bản thân vay tín chấp tại hàng để cho người bạn vay số tiền 330 triệu đồng thì bạn có phải là bên thứ ba(bên bảo lãnh) cam kết với phía bên Ngân hàng là sẽ thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho người bạn nếu người bạn của bạn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng không hay bạn thực hiện hợp đồng vay tài sản tại ngân hàng sau đó mới đem số tiền 330 triệu động có người bạn của bạn vay, do đó:
Căn cứ theo quy định tại Điều 463 về Hợp đồng vay tài sản của Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Căn cứ theo quy định tại Điều 466 về Nghĩa vụ trả nợ của bên vay của Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Căn cứ theo quy định tại Điều 335 về Bảo lãnh của Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:
1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Đối với trường hợp này của bạn, bạn dùng bảng lương của bản thân vay tín chấp tại ngân hàng để cho người bạn vay số tiền 330 triệu đồng. Do đó, nếu bạn là bên thứ ba(bên bảo lãnh) cam kết với phía bên Ngân hàng là sẽ thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho người bạn nếu người bạn của bạn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng thì bạn phải chịu trách nhiệm trả tiền cho ngân hàng nếu người bạn của bạn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng. Còn nếu bạn dùng bảng lương vay tín chấp tại ngân hàng để vay số tiền 330 triệu đồng sau đó mới cho người bạn của bạn vay tiền thì phát sinh hai quan hệ vay giữa bạn và ngân hàng; giữa bạn và người bạn kia.
Do đó, nếu như bạn có căn cứ chứng minh về việc người bạn của bạn có vay số tiền 330 triệu đồng của bạn thì theo quy định của pháp luật thì theo quy định tại Điều 466 của Bộ luật dân sự năm 2015 bạn có thể viết đơn yêu cầu ra phía bên Tòa án để đòi lại số tiền mà người bạn của bạn đã vay theo quy định của pháp luật.
Về trách nhiệm hình sự:
Căn cứ theo quy định tại Điều 174 về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Bộ luật hình sự năm 2015 như sau:
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ
…
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
Đối với thông tin bạn cung cấp thì hành vi vay tiền của người bạn của bạn chưa đủ căn cứ để kết luận họ có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, trong trường hợp này để tố cáo thì bạn phải có cơ sở, căn cứ về hành vi chiếm đoạt tài sản của họ. Khi bạn có căn cứ chứng minh về việc người bạn của bạn có hành vi dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của bạn từ trước khi thực hiện giao kết hợp đồng vay só tiền 330 triệu đồng với bạn theo quy định tại điểm a, Khoản 3, Điều 174 của Bộ luật hình sự năm 2015 thì người bạn của bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của pháp luật. Do đó, bạn có thể viết đơn trình báo phía bên cơ quan công an về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người bạn của bạn để tiến hành giải quyết bảo vệ quyền lợi cho bạn theo quy định của pháp luật.
Trân trọng.
Phòng Luật sư tư vấn hình sự - Công ty Luật Minh Gia.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất