Vấn đề nợ chung vợ chồng trong vụ án ly hôn xử lý thế nào?
Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi đề nghị tư vấn đến Luật Minh Gia, nội dung bạn thắc mắc chúng tôi giải đáp như sau:
Trong vụ án hôn nhân và gia đình, khi các đương sự rút đơn hoặc hòa giải thành về đoàn tụ thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Cũng cần lưu ý là: Trước đây Tòa án vẫn có hình thức ra “quyết định công nhận hòa giải đoàn tụ thành” được hướng dẫn ở Điểm a, Mục 10, Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23- 12-2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000. Điểm a nói trên quy định: “Nếu hòa giải đoàn tụ thành mà người yêu cầu xin ly hôn rút đơn yêu cầu xin ly hôn thì Tòa án…ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án. Nếu người xin ly hôn không rút đơn yêu cầu xin ly hôn thì Tòa án lập biên bản hòa giải đoàn tụ thành. Sau 15 ngày…không có sự thay đổi ý kiến cũng như Viện kiểm sát không phản đối thì Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải đoàn tụ thành. Quyết định công nhận hòa giải đoàn tụ thành có hiệu lực pháp luật ngay và các đương sự không có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị theo trình tự phúc thẩm”.
Tuy nhiên, hướng dẫn ở Điểm a, Mục 10 nêu trên là phần hướng dẫn về tố tụng nên đến thời điểm thi hành Bộ luật Tố tụng Dân sự thì phần hướng dẫn trên khác với quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự nên không còn giá trị thi hành. Khi hòa giải đoàn tụ thì người có đơn xin ly hôn dù không có đơn rút đơn xin ly hôn thì cũng đã có lời khai rút lại yêu cầu ly hôn nên vẫn thuộc trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015
Trong trường hợp ngân hàng tham gia với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan từ yêu cầu của vợ hoặc chồng cần giải quyết về nợ cùng với việc ly hôn thì khi Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án ly hôn bao gồm luôn cả việc không tiếp tục giải quyết việc đòi nợ chung. Đây là trường hợp Ngân hàng không có yêu cầu độc lập trong vụ án ly hôn nên nếu Ngân hàng vẫn muốn yêu cầu giải quyết trả nợ ngay thì Ngân hàng phải khởi kiện một vụ án độc lập về đòi nợ.
Trong trường hợp Ngân hàng đã tham gia tố tụng với tư cách Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì họ có quyền và nghĩa vụ tố tụng như một nguyên đơn nên quyết định đình chỉ giải quyết vụ án ly hôn không bao gồm cả quan hệ đòi nợ, Tòa án phải ra Thông báo thay đổi địa vị tố tụng và tiếp tục giải quyết vụ án đòi nợ (vụ án dân sự).
Ví dụ: Anh A xin ly hôn chị B. Anh A có một khoản vay riêng Ngân hàng X và cung không đề cập giải quyết khoản vay này trong vụ án ly hôn. Ngân hàng X thấy việc ly hôn của anh A có thể có việc chia tài sản chung của vợ chồng, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ nên có đơn yêu cầu anh A trả nợ ngay và xác định một số tài sản bảo đảm trả nợ. Yêu cầu của Ngân hang X là yêu cầu độc lập và Ngân hàng đã phải làm đơn, nộp tạm ứng án phí theo quy định của pháp luật. Nay quan hệ hôn nhân được đình chỉ việc giải quyết nhung Ngân hàng X không rut yêu cầu, vẫn yêu cầu tiếp tục giải quyết thì Tòa án cần phải ra Thông báo thay đổi địa vị tố tụng, xác định Ngân hàng X là nguyên đơn, anh A là bị đơn, chị B là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và tiếp tục giải quyết quan hệ đòi nợ. Vụ án đòi nợ có bản chất là vụ án dân sự nhưng nếu vẫn vẫn tiếp tục giữ nó là vụ án hôn nhân và gia đình đã bị đình chỉ một phần cũng không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của các đương sự và việc áp dụng pháp luật.
Nghĩa vụ trả nợ và tranh chấp quyền nuôi con của vợ chồng khi ly hôn?
Câu hỏi: Em năm nay 30 tuổi đã kết hôn được 2 năm. Nhưng hiện giờ cuộc sống hôn nhân của em rất bế tắc vì chồng em là người vô trách nhiệm, ham mê ăn nhậu, cứ 1 tuần là bỏ đi chơi rồi đi 3, 4 ngày có khi cả tuần lễ mới về. Tài sản đem theo như điện thoại hay xe đều cầm cố hoặc bán hết. Em đã chịu đựng 2 năm nay rồi . mặc dù còn thương chồng nhưng em quyết định đơn phương ly hôn. Em có thắc mắc cần luật sư giải đáp giùm em đó la do công việc làm ăn nên 2 vợ chồng em có mắc nợ ngân hàng khoảng 100 triệu thì khi ly hôn nợ ai nấy trả hay chia đôi. Vì em và chồng e đứng vay mấy cái ngân hàng lận. Và về vấn đề con chung . e đã có 1 bé gái đầu dc 19 tháng và hiện tại e đang mang thai 6 tháng . e muốn được nuôi 2 đứa con của em sau khi ly hôn. Vì chồng em và nhà chồng em không có kinh tế nhưng bên nhà em thì kinh tế ổn định. Vậy theo luật em có được quyền nuôi 2 đứa không thưa luật sư. Em không cần gì hết em chỉ cần 2 đứa con của em, mong luật sư giải đáp giùm, em xin cảm ơn.
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Thứ nhất các khoản vay sẽ xử lý như thế nào nếu vợ chồng ly hôn?
Điều 37 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy đinh về nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng:
“Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:
1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;
6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.”
Nếu ly hôn thì hai vợ chồng bạn có thể thỏa thuận về nghĩa vụ trả những khoản vay, trường hợp hai bên tranh chấp thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Tòa án căn cứ theo quy định của pháp luật để xem xét, cụ thể theo quy định tại Điều 37 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì những khoản vay trong do hai vợ chồng cùng xác lập giao dịch thì đây là nghĩa vụ chung và hai vợ chồng cùng có trách nhiệm phải trả. Theo thông tin mà bạn cung cấp thì vì công việc làm ăn và hai vợ chồng cùng vay nên khi ly hôn hai vợ chồng mỗi người phải trả một nửa khoản vay.
Thứ hai, về tranh chấp quyền nuôi con khi ly hôn.
Căn cứ Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn:
"1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con."
Theo thông tin mà bạn cung cấp thì bạn muốn ly hôn đơn phương và muốn giành quyền trực tiếp nuôi cả hai con (19 tháng tuổi và đang mang thai 6 tháng). Trước tiên bạn có thể thỏa thuận với chồng về quyền nuôi con, trường hợp không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Theo quy định của Khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, tại thời điểm giải quyết ly hôn và tranh chấp quyền nuôi con, nếu con dưới 36 tháng tuổi thì Tòa án giao cho mẹ trực tiếp nuôi trừ trường hợp bạn không có đủ điều kiện trực tiếp để nuôi con. Đây là quy định của Luật hôn nhân và gia đình nhằm bảo vệ quyền lợi của bà mẹ và trẻ em vì trẻ em nhỏ cần sự chăm sóc cẩn thận của người mẹ. Nếu bạn có khả năng trực tiếp để nuôi con ví dụ như có khả năng tạo ra thu nhập để nuôi con, bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền của cha mẹ với con…
Trên đây là nội dung tư vấn về: Vấn đề nợ chung vợ chồng trong vụ án ly hôn xử lý thế nào? Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn luật Hôn nhân gia đình trực tuyến để được giải đáp.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất