Vấn đề ly hôn và giành quyền nuôi con sau khi ly hôn
Tiền hàng tháng đưa cho mẹ tôi cả hai vợ chồng được 2 triệu rưỡi đến 3 triệu để cho mẹ tôi lo việc đi chợ hàng ngày sáng trưa chiều tối ăn gì. Vợ tôi nấu cơm nước tiền còn lại mua sữa cho con. Cho đến từ khi cháu sinh ra đươc 1 năm cho đến khi con được hơn 2 tuổi thì tôi bắt đầu không lo làm ăn, không chăm lo cho con, mải mê chơi game gia đình khuyên bảo nhiều lần mà tôi vẫn chứng nào tật ấy. Vợ tôi thì làm công ty theo ca, làm ngày thì khi về nhà lai lo cơm nước, giặt giũ chăm lo cho con, làm đêm thì có hôm làm từ 18h đến 6h thì về nhà nằm nghỉ đến 2, 3 giờ chiều dậy được 2 3 tiếng sau lai đi làm. Còn có hôm thì làm từ 22 giờ đến 6 giờ thì về nhà nằm nghỉ đến 2, 3 giờ chiều lại dậy chăm lo cho con giặt giũ , lo cơm nước rồi lai chuẩn bi đi làm. Nên việc chi tiêu hàng tháng giảm và hàng tháng vợ tôi đưa mẹ tôi lúc 1 triệu lúc thì 1 triệu rưỡi. Tôi mải mê chơi game như vậy mà vợ tôi lo làm ăn và cũng nhiều khi vợ tôi làm sai với bố mẹ tôi nên bố tôi gọi 2 vợ chồng tôi ra để nói cho hiểu lỗi sai và cũng vì vợ tôi không hiểu ý bố tôi nên vợ tôi sinh ra nản chí vì tôi và cho rằng đó là áp lực gia đình và có ý định bỏ đi. Tôi thấy vợ có ý định bỏ đi tôi mới hoảng và hiểu vợ mình nếu suy nghĩ như vậy là chưa suy nghĩ đúng và tôi cũng hứa với vợ tôi bỏ game và cố gắng giải thích cho vợ tôi hiểu vấn đề bố tôi nói. tôi cũng hiểu và giải thích cho vợ phận làm con thì bố mẹ bảo sao nghe đấy, bố mẹ có chửi có mắng cũng chỉ là ý tốt cho mình nhưng vợ tôi vẫn mãi không hiểu bố tôi và không tin tưởng tôi bỏ game. Rồi vợ tôi còn nghĩ nói với tôi vợ chồng ra sống riêng nhưng tôi không đồng ý vì tôi biết tôi là con 1 trong gia đình là trụ cột sau này thay bố mẹ tôi. Tôi thật không biết vợ tôi có hiểu tôi là con 1 là trụ cột trong gia đình sau này không mà vợ tôi lai vẫn có ý định bỏ đi. Sau nhiều lần tôi nài nỉ, hứa hẹn và cũng khiến vợ tôi đổi ý và tôi cũng nói với vợ tôi cả hai vợ chồng bắt đầu làm lại. Ngày mai luôn cho ta cơ hội là của ngày mai. Vợ tôi cũng đồng ý. Nhưng sau 4 ngày 2 vợ chồng cùng nhau bắt đầu lại thì vợ tôi lại bỏ đi, bỏ con bỏ tôi bỏ gia đình đi không nói gì với ai ngay cả bố me tôi cũng không biết. Tôi thì nghĩ sau lời hứa làm lại tôi cũng thấy tôi không làm gì sai. Tôi liên lạc cho vợ tôi nói quay về mà vợ tôi nhất quyết không chịu và còn nói với tôi em bỏ anh bỏ gia đình anh em sẽ không bỏ con, muốn bắt con tôi đừng có hòng và đòi ly dị viết đơn nên tòa nếu anh không ký tôi sẽ gửi nhiều lần tòa sẽ giải quyết ly dị đơn phương cho tôi. Tôi nghĩ có gì sai ở đây. Sau câu nói bắt con sao em không bỏ con mà em lại là người bỏ di. Tôi thật sự yêu vợ mà tôi nhìn lại thương con vô cùng dù biết trước mình sống trong nhà mà không lo cho con nhưng giờ tôi đã hứa và vừa mới bắt đầu làm lại thì sự việc lai xảy ra ngoài ý muôn. Nhìn con tôi cũng tự hỏi sau nay đến tuổi đi học thì bạn bè nó hỏi mẹ nó đâu thì nó trả lời sao với bạn bè, và ngẩng mặt lên mà bước đi cho cuộc sống. Tôi vì còn yêu vợ thương con tôi không muốn ly di, tôi không muốn gia đình thiếu vắng. Tôi quyết định đi kiếm ngày kiếm đêm kiếm 2, 3 ngày nay mà không tin tức, điện thoại lúc được lúc không, được cũng không kêu về được. Về nhà gặp con thi nó lại hỏi sao me đi làm chưa về hả ba, mẹ như lùn này hư quá, con với ba đi tìm mẹ về cho khang đi. Trời ơi con tôi mới hơn 2 tuổi sao nó hỏi được câu hỏi như vậy? Trong khi nó có hiểu chuyện gì đâu? Tôi chỉ biết ôm con tôi khóc mà vẫn đi kiêm. Chuyện tối muốn kể hết. Vậy cho tôi hỏi nếu thật sự mà vợ tôi gửi đơn như vậy mà tôi không đồng ý thì tòa sẽ giải quyết sao và trao quyền nuôi con cho ai? Và nếu tôi ký và chấp nhận ly di thì tòa sẽ giải quyết sao và quyền nuôi con thuộc về ai?
Trả lời:
Chào bạn, Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Thứ nhất, trong trường hợp vợ anh gửi đơn ly hôn ra tòa án và anh không đồng ý
Theo khoản 1 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 (LHNVGĐ 2014) về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn thì vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Do vậy, vợ anh có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn mà không cần có sự đồng ý của anh.
Theo khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân gia đình 2014 về ly hôn theo yêu cầu của một bên:
"Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được".
Ngoài ra, tại Điểm a Mục 8 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP quy định các Căn cứ cho ly hôn như sau:
"Theo quy định tại khoản 1 Điều 89 thì Toà án quyết định cho ly hôn nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài được, mục đích của hôn nhân không đạt được.
a.1. Được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi:
- Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.
- Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.
- Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình;
a.2. Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được, thì phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng như hướng dẫn tại điểm a.1 mục 8 này. Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.
a.3. Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt".
Trong trường hợp của anh thì nếu anh không có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được (thế nào là lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được đã được nêu ở trên) thì sẽ không có căn cứ để tòa án giải quyết yêu cầu ly hôn của vợ anh.
Nếu trong trường hợp anh có các hành vi kể trên thì tòa án sẽ có căn cứ để giải quyết yêu cầu ly hôn của vợ anh.
Theo khoản 3 Điều 81 LHNVGĐ 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn:
"Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Như vậy, trong trường hợp này, con của anh mới hơn 2 tuổi mà người mẹ có yêu cầu nuôi con sau khi ly hôn nên sau khi ly hôn thì con sẽ được giao cho vợ anh trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con như bị mất năng lực hành vi dân sự".
Trong trường hợp anh muốn nuôi con sau khi ly hôn thì anh nên trao đổi, thỏa thuận cho hợp lý với vợ anh về việc nộp đơn ra tòa sao cho khi vợ anh nộp đơn thì con anh đã đủ 36 tháng tuổi. Khi đó, khả năng anh giành quyền nuôi con sẽ cao hơn. Cụ thể, ở đây anh sẽ là người có lợi thế hơn vì tình tiết anh đưa ra là vợ anh đã bỏ lại anh và con anh đi nơi khác trong khi hai vợ chồng đã thỏa thuận với nhau là sẽ bắt đầu lại từ đầu và anh cũng không có lỗi trong việc để vợ anh bỏ đi đồng thời anh đã vất vả đi tìm kiếm vợ anh, mong vợ anh quay lại và tình tiết vợ anh nói với anh “em bỏ anh bỏ gia đình anh em sẽ không bỏ con, muốn bắt con tôi đừng có hòng” vậy tại sao vợ anh lại bỏ con anh ở lại mà không mang theo cùng?
Thứ hai, trong trường hợp nếu anh ký và chấp nhận ly hôn.
Khi anh đã ký và chấp nhận ly hôn và đồng thời hai vợ chồng anh đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì lúc này tòa án công nhận thuận tình ly hôn và ai sẽ trực tiếp nuôi con sau ly hôn sẽ do thỏa thuận của hai vợ chồng anh chị.
Trong trường hợp anh đã ký và chấp nhận ly hôn nhưng anh và vợ anh không thỏa thuận được với nhau về việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con hoặc có thỏa thuận được nhưng không đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con thì tòa án sẽ giải quyết việc ly hôn và vấn đề nuôi con sau ly hôn sẽ được giải quyết như trường hợp tòa án giải quyết yêu cầu ly hôn của vợ anh đã nêu ở trên.
Trên đây là nội dung tư vấn về: Vấn đề ly hôn và giành quyền nuôi con sau khi ly hôn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình trực tuyến để được giải đáp.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất