Lò Thị Loan

Vấn đề cấp dưỡng cho con chưa thành niên

Nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng và không đăng ký kết hôn thì có được coi là vợ chồng hợp pháp không? Khi họ không còn sống chung với nhau thì vấn đề cấp dưỡng cho con chưa thành niên được giải quyết như thế nào?

Câu hỏi tư vấn: Tôi và chồng tôi chung sống với nhau được hơn 3 năm nhưng không đăng ký kết hôn. Chúng tôi có một con chung, hiện cháu được một tuổi. Bây giờ chúng tôi chia tay nhau thì chồng tôi có phải trợ cấp hàng tháng để nuôi con không? Nếu chồng tôi không thực hiện việc này thì tôi có thể nhờ pháp luật can thiệp được không? Tôi xin cảm ơn luật sư!

Luật sư tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, bạn và người bạn gọi là chồng chung sống với nhau được hơn 3 năm nhưng không đăng ký kết hôn cho nên về mặt pháp lý các bạn không phải là vợ chồng hợp pháp.

Căn cứ Điều 14 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy đinh:

 "1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này"

Tuy nhiên các bạn đã có với nhau một người con và theo quy định của pháp luật hiện hành thì quan hệ giữa cha, mẹ với con không phụ thuộc vào việc cha mẹ có quan hệ vợ chồng hợp pháp hay không. 

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn như sau: "Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.''

Trong trường hợp này thì nếu con không sống chung với chồng của bạn thì người này có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con tương tự như trường hợp cấp dưỡng giữa cha, mẹ đối với con khi ly hôn theo Điều 107 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:

Điều 107. Nghĩa vụ cấp dưỡng

1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.

Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.

2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật này, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này.”
Thứ hai, nếu chồng bạn không thực hiện nghĩa vụ này thì bạn hoàn toàn có thể nhờ pháp luật can thiệp.

Việc chồng bạn không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng bạn hoàn toàn có quyền làm thủ tục, hồ sơ khởi kiện gửi đến cơ quan Tòa án để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Hồ sơ yêu cầu cấp dưỡng bao gồm :

- Đơn khởi kiện về việc cấp dưỡng;

- Bản sao có chứng thực giấy chứng minh nhân dân;

- Bản sao có chứng thực sổ hộ khẩu;

- Chứng cứ chứng minh thu nhập của người chồng;

- Bản sao có chứng thực giấy sinh của con.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án như sau:

Điều 35. Thẩm quyền của Toà án theo lãnh thổ

1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Toà án theo lãnh thổ được xác định như sau:

a) Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;

b) Các đương sự có quyền tự thoả thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Toà án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;

c) Toà án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về bất động sản."

Như vậy, chị có thể nộp đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân quận/huyện nơi chồng cũ của mình cư trú để yêu cầu cấp dưỡng cho con.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Vấn đề cấp dưỡng cho con chưa thành niên. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169