Cao Thị Hiền

Ủy quyền người khác ký tên văn bản chia thừa kế được không?

Có được ủy quyền ký tên vào văn bản phân chia tài sản hay không là một vấn đề được khá nhiều người quan tâm. Trong một số trường hợp không được ủy quyền như đăng ký kết hôn, ly hôn,...Vậy một người có được ủy quyền cho người khác tham gia ký thỏa thuận phân chia di sản thừa kế đối với phần mình được hưởng hay không? Việc ủy quyền cần phải đáp ứng các điều kiện gì theo quy định pháp luật?

1. Quy định pháp luật về việc uỷ quyền người khác ký tên văn bản thừa kế được không?

Thừa kế là sự chuyển dịch tài sản của người mất cho người khác, việc chuyển dịch tài sản này chủ thể khác bằng di chúc hoặc theo trình tự mà pháp luật khi không có di chúc. Để được pháp luật công nhận sự thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, những người thừa kế phải cùng nhau ký vào văn bản thỏa thuận phân chia di sản và phải được công chứng, chứng thực.

Thứ nhất, các bước thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.

Các bước thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được thực hiện như sau:

Bước 1: Họp mặt các đồng thừa kế và làm văn bản thỏa thuận phân chia di sản.

Căn cứ Điều 656 Bộ luật dân sự 2015 quy định họp mặt những người thừa kế như sau: Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận một số vấn đề như cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, cách thức phân chia di sản... Mọi thỏa thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản.

Bước 2: Công chứng hoặc chứng thực văn bản thỏa thuận.

Các bên tiến hành công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản tại Văn phòng công chứng hoặc tiến hành chứng thực chữ ký.

Bước 3: Sau khi có văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, cần tiến hành mở thừa kế để chia thừa kế cho các bên.

Thứ hai, về vấn đề ủy quyền người khác ký tên văn bản thừa kế.

Căn cứ Điều 141 Bộ luật dân sự 2015 quy định về phạm vi đại diện như sau:

“3. Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Như vậy, cá nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Do đó, có thể ủy quyền cho người khác ký tên vào văn bản thừa kế. Tuy nhiên, không thể ủy quyền để ký văn bản thừa kế nếu người đại diện theo ủy quyền thực hiện việc đại diện với chính mình.

Hiện nay, theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thì thủ tục chứng thực chữ ký cũng được áp dụng đối với trường hợp chứng thực giấy ủy quyền, khi hành vi ủy quyền đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: không có thù lao; không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền; không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản. Vì vậy không thể chứng thực chữ ký đối với việc ủy quyền thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản.

Ngoài ra khoản 3 Điều 14 Thông tư số 01/2020/TT-BTP thông tư của Bộ tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều Nghị định 23/2015/NĐ-CP, quy định việc ủy quyền cho người khác tham gia phân chia, định đoạt quyền sử dụng đất không thuộc trường hợp được chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền. Theo đó, cần lập hợp đồng ủy quyền và công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật.

Để ủy quyền cho người khác đại diện mình thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, chủ thể ủy quyền cần đến tổ chức hành nghề công chứng nơi mình đang cư trú lập Hợp đồng ủy quyền công chứng. Căn cứ khoản 2 Điều 55 Luật Công chứng 2014 quy định, trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiêu vào bản gốc của hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.

2. Tư vấn về ủy quyền ký tên vào văn bản phân chia di sản thừa kế

Câu hỏi tư vấn:

Kính chào quý văn phòng luật sư. Xin vui lòng giúp tôi giải đáp thắc mắc sau: Tôi có 1 em gái. Ba mẹ tôi chết có để lại di chúc cho 2 hai anh em tôi 1 căn nhà và tiền mặt trong ngân hàng. Vì ở xa tôi không thể ký tên văn bản phân chia di sản. Tôi có thể ủy quyền cho em gái tôi ký tên vào văn bản phân chia tài sản được không? Tôi có tham khảo một số web site có nói rằng Người được ủy quyền không được là một trong những người thừa kế. Tuy nhiên, nhân viên công chứng tư vấn với tôi rằng tôi nhận tài sản được thừa kế theo di chúc và pháp luật, và không cho tặng em gái tôi phần của mình nên em gái tôi vẫn có thể nhận ủy quyền của tôi 1 cách hợp pháp. Không biêt có điều luật nào bổ sung cho trường hợp này. Tôi không biết thông tin nào chính xác. Mong luật sư giải đáp thắc mắc.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia. Với nội dung bạn yêu cầu tư vấn, Công ty Luật Minh Gia tư vấn như sau:

Theo quy định của pháp luật dân sự, di sản thừa kế của người đã chết sẽ được chia theo di chúc, nếu không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì chia theo pháp luật.

Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 141 Bộ luật dân sự 2015 về phạm vi đại diện như sau:

“Điều 141. Phạm vi đại diện

3. Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Theo quy định trên, một cá nhân không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình. Việc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được coi là một giao dịch dân sự giữa những người thừa kế để phân chia tài sản của người chết để lại. Đối với trường hợp của bạn, em gái bạn vừa tham gia thỏa thuận phân chia di sản thừa kế với tư cách cá nhân, vừa đại diện bạn để thực hiện việc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế với chính mình trái với quy định pháp luật về đại diện. Theo đó, bạn không thể ủy quyền cho em gái đại diện mình để tham gia việc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Bạn có thể ủy quyền cho người khác thay mặt mình để tham gia thỏa thuận phân chia di sản thừa kế nhưng người này không được là một trong những người hưởng di sản thừa kế của bố mẹ bạn.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169