Triệu Lan Thảo

Uỷ quyền cho người khác đăng ký kết hôn có được không?

Luật sư tư vấn trường hợp 2 người ở nước ngoài, ủy quyền cho bố mẹ ra ủy ban để xin giấy tờ làm thủ tục đăng ký kết hôn có hợp pháp không

Nội dung tư vấn: Xin lỗi anh chị là em và vợ em đang làm việc và sinh sống tại nước ngoài ( nhật bản ). Năm 2014 vì điều kiện cả 2 vợ chồng em đều không thể về việt nam để trực tiếp là thủ tục đăng kí kết hôn được. Nên đã có viết thư uỷ quyền cho bố mẹ em và bố mẹ vợ ra uỷ ban nhân dân xã để xin giấy tờ làm thủ tục đăng kí kết hôn, rồi sau đó gửi giấy tờ đó sang nhật để vợ chồng em trực tiếp kí và làm thủ tục xong gửi lại về việt nam cho bố mẹ nộp lên uỷ ban nhân dân xã. Vậy trong trường hợp đó thì giấy tờ của bọn em có hợp pháp hay không ạ. Mong được anh chị tư vấn giúp ạ. Em xin chân thành cám ơn ạ.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Trường hợp của bạn căn cứ Điều 2 Thông tư 15/2015/TT-BTP quy định về việc ủy quyền đăng ký hộ tịch như sau:

“1. Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch theo quy định tại Điều 3 của Luật hộ tịch được ủy quyền cho người khác thực hiện thay, trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con.

2. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật; phạm vi ủy quyền có thể gồm toàn bộ công việc theo trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch từ khi nộp hồ sơ đến khi nhận kết quả đăng ký hộ tịch.

Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người uỷ quyền.

3. Khi nộp hồ sơ đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con, một bên có yêu cầu có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền mà không cần có văn bản ủy quyền của bên còn lại”.

Theo đó,  việc đăng ký kết hôn không được pháp luật quy định có thể ủy quyền cho người khác thực hiện thay. Ngoài ra, Điều 38 Luật hộ tịch năm 2014 quy định về thủ tục đăng ký kết hôn:

“Điều 38. Thủ tục đăng ký kết hôn

1. Hai bên nam, nữ nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

Người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài phải nộp thêm giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân, bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu.

2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, công chức làm công tác hộ tịch có trách nhiệm xác minh, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.

3. Khi đăng ký kết hôn cả hai bên nam, nữ phải có mặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân, công chức làm công tác hộ tịch hỏi ý kiến hai bên nam, nữ, nếu các bên tự nguyện kết hôn thì ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.

4. Chính phủ quy định bổ sung giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn, việc phỏng vấn, xác minh mục đích kết hôn khi giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn; thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam để kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên.”

Như vậy, khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải cùng có mặt. Đại diện Uỷ ban nhân dân cấp xã yêu cầu hai bên cho biết ý muốn tự nguyện kết hôn, nếu hai bên đồng ý kết hôn, thì cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận kết hôn. Hai bên nam, nữ ký vào Giấy chứng nhận kết hôn và Sổ đăng ký kết hôn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho mỗi bên vợ, chồng một bản chính Giấy chứng nhận kết hôn, giải thích cho hai bên về quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.

Do đó, việc ủy quyền cho bố mẹ bạn và bố mẹ vợ bạn ra uỷ ban nhân dân xã để xin giấy tờ làm thủ tục đăng kí kết hôn, rồi sau đó gửi giấy tờ đó sang nhật để vợ chồng bạn trực tiếp kí và làm thủ tục xong gửi lại về việt nam cho bố mẹ nộp lên uỷ ban nhân dân xã là không đúng với thủ tục đăng ký kết hôn do pháp luật quy định. Vì vậy, giấy tờ của bạn về việc đăng ký kết hôn là không hợp pháp. Trường hợp này, 2 bạn cần đến trực tiếp UBND xã để thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trường hợp bạn không về Việt Nam được thì có thể làm thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan Đại sứ quán mà Việt Nam đặt trụ sở bên đó để làm thủ tục.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169