Nguyễn Kim Quý

Tự ý mang con đi khỏi nhà chồng có vi phạm quy định của pháp luật không?

Luật sư tư vấn về vấn đề tự ý mang con đi khỏi nhà chồng có vi phạm quy định của pháp luật không? Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ trong việc căm sóc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái trong thời kỳ hôn nhân và sau khi li hôn là như thế nào? Nếu bạn gặp vấn đề này cần tư vấn, hỗ trợ giải đáp những thắc thắc, đưa ra hướng giải quyết đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho bạn, bạn hãy liên hệ đến công ty Luật Minh Gia chúng tôi.

1. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con

Theo quy định của luật hôn nhân và gia đình năm 2014 nêu rõ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục con cái. Theo đó cha, mẹ có quyền và nghĩa vụ như nhau trong việc thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội. Vậy nếu người mẹ tự ý mang con đi khỏi nhà chồng có vi phạm quy định của pháp luật không? Đây là một trong những vấn đề được quan tâm rất nhiều trong thời gian gần đây.

Nếu bạn gặp vấn đề này nhưng không có thời gian tìm hiểu quy định của pháp luật, bạn hãy liên hệ đến công ty Luật Minh Gia bằng cách gửi câu hỏi tư vấn, luật sư sẽ tư vấn cho bạn những nội dung sau:

+ Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng ;

+ Trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ đơn phương li hôn ;

+ Vấn đề trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn ;

2. Tự ý mang con đi khỏi nhà chồng có vi phạm quy định của pháp luật không?

Nội dung tư vấn:

Xin chào luật Minh Gia. Em và chồng kết hôn năm 2016 đến nay có 1 con chung 11 tháng tuổi. Trong quá trình chung sống có xảy ra mâu thuẫn vợ chồng, không có tiếng nói chung. Lúc mới cưới mỗi lần cãi nhau là chồng em lại đuổi e về nhà mẹ đẻ, em đi chơi cùng ba mẹ ruột thì đòi li hôn với em, những chuyện vặt cũng cãi nhau, mẹ chồng thì ra ngoài nói xấu. E nhẫn nhịn sống đến bây giờ. Chồng e có mở một tiệm net ở nhà trông coi. Vừa trông coi tiệm vừa chơi game, chồng e rất ghiền game, chơi từ sáng cho đến khuya, ngày nào cũng vậy. Em thì chưa đi làm được vì con còn nhỏ, bé lại khó, ông bà nội lớn tuổi không chăm nổi nên đành ở nhà chăm con. Kinh tế eo hẹp, chồng thì lại nghiện game không biết phấn đấu. Cuộc sống gia đình không thoải mái, thường hay cãi vã. Chuyện nếu không có gì khi chồng e không cho mẹ con e về thăm cha mẹ, cãi nhau và xúc phạm ba mẹ ruột của em, thách thức viết đơn ly hôn. Sui gia thì xúc phạm nhau. Con rể có lỗi không xin lỗi, không hối cải. Em không nhẫn nhịn được nữa và quyết định ly hôn. Em ẵm con về ngoại ở vì bên chồng rất ngang ngược, không đảm bảo sự an toàn cho em. Bên chồng đã thuận tình ly hôn nhưng gây khó dễ cho em. Không cho em lấy giấy tờ và bắt ẵm cháu về mới đưa giấy tờ. Vậy cho em hỏi là: - Bên chồng nói là em không có quyền ẵm con đi vì con và em còn trong sổ hộ khẩu bên chồng, phải trả cháu về. Nếu không nhờ chính quyền can thiệp nói rằng e bắt cóc. Vậy e bế con đi là đúng hay sai và bên chồng có quyền bắt con em về hay không? - Bên chồng không cho em lấy tất cả giấy tờ liên quan đến việc làm thủ tục ly hôn. Và vì cuộc sống em cần bằng cấp của em và giấy CMND của e để xin việc làm nuôi con nhưng bên chồng không cho lấy. Tất cả giấy tờ liên quan em đều không lấy được thì em phải làm thế nào? - Hiện tại em chưa có việc làm nên cần bằng cấp để xin việc làm, vậy em có giành được quyền nuôi con không? Mong Luật Minh Gia tư vấn giúp em Cám ơn.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:

Thứ nhất, về việc bạn có được quyền bế con đi không?

Vì bạn và chồng vẫn đang trong quan hệ hôn nhân hợp pháp, chưa thực hiện ly hôn, Tòa án vẫn chưa quyết định giao con cho ai nuôi dưỡng nên cả hai người đều có quyền ngang nhau trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, việc bạn chỉ mang con về nhà ngoại mà không cản trở chồng mình thăm con, đón con thì việc mang con đi không trái quy định của pháp luật.

“Điều 71. Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng

1. Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

…”

Như vậy, pháp luật không cấm việc bạn bế con về nhà ngoại mà chỉ cấm hành vi của bạn khi hành vi này cản trở đến quyền chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con của chồng mình hoặc hành vi của bạn nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản hoặc uy hiếp về mặt tinh thần của chồng bạn hoặc người khác. Trường hợp hành vi của bạn có dấu hiệu nhằm cản trở quyền chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con của chồng mình hoặc hành vi của bạn nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác thì bạn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt hành chính về hành vi này.

Thứ hai, về việc giấy tờ của bạn bị chồng bạn giữ và không trả lại

Bạn có thể thử thỏa thuận lại với bên phía nhà chồng của mình để được trả lại những giấy tờ này. Trường hợp bên phía nhà chồng vẫn không đồng ý thì bạn có thể đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký kết hôn để xin trích lục đăng ký kết hôn, xin xác nhận tại cơ quan công an ở địa phương về việc mình là cá nhân cư trú tại địa phương, bạn cũng có thể báo mất và làm lại thẻ CMND của mình, hoặc bạn có thể ghi rõ về vấn đề chồng mình đang giữ giấy tờ của mình trong đơn ly hôn và đề nghị Tòa án yêu cầu chồng bạn bổ sung sau.

Thứ ba, về quyền nuôi con

Quyền nuôi con đặt ra giữa vợ và chồng trong trường hợp vợ chồng giải quyết ly hôn tại Tòa án. Quyền nuôi con sẽ do hai vợ chồng bạn tự thỏa thuận với nhau, nếu hai người không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Như vậy, việc ai được quyền trực tiếp nuôi con dựa trên thỏa thuận giữa hai bên vợ chồng, trường hợp không thỏa thuận được hoặc không có thỏa thuận thì Tòa án quyết định giao con cho 1 trong 2 bên dựa trên căn cứ tại Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Vì bạn không nói rõ độ tuổi của con bạn nên nếu con bạn dưới 36 tháng thì được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp bạn không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc nếu con bạn đủ 7 tuổi trở lên thì Tòa sẽ xem xét nguyện vọng của con. Nếu con bạn không thuộc 2 trường hợp trên thì Tòa sẽ quyết định giao con cho 1 bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Để đảm bảo các quyền lợi cho con thì cha mẹ cần đáp ứng được một số điều kiện như: chỗ ở ổn định, rõ ràng; thu nhập hàng tháng đủ để nuôi cháu; có thời gian để chăm sóc cho cháu, hành vi nhân thân không ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển về thể chất và tinh thần của cháu,… Bạn có thể đưa ra những chứng cứ chứng minh về vệc chồng mình có những hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của cháu như: chồng bạn nghiện game không thể chăm sóc cho cháu, bỏ mặc cháu, không đáp ứng được điều kiện đẻ cháu được thực hiện các quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục,…

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo