LS Xuân Thuận

Tư vấn yêu cầu cấp dưỡng cho con sau ly hôn

Dì út của mình ly hôn đã được gần 1 năm và hiện đang nuôi 2 con nhỏ hiện tại thì dì mình không có việc làm, đang ở nhà làm nông. Chồng cũ của dì mình thì hàng tháng chu cấp 1,2 triệu cho 2 đứa nhỏ nhưng tháng nào cũng rất chậm trễ và gây khó khăn trong vấn đề chu cấp tiền. Khoảng 2 tháng gần đây người đó lấy lý do vì bị tai nạn gãy chân nên không làm gì ra tiền (bình thường thì người đó làm nông và hiện đã cưới vợ mới) nên 2 tháng nay không chịu chu cấp tiền nữa.

Dì mình có gặp người đó để nói chuyện nhưng người đó vẫn không chịu chu cấp và thách thức dì mình đi kiện. Vậy trong trường hợp này dì mình phải làm gì để nhận được tiền trợ cấp đó ạ. Mong nhận được sự hỗ trợ cuả chuyên gia và xin cảm ơn rất nhiều.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cần tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, tư vấn cho trường hợp của bạn sẽ tùy thuộc vào việc trước đây trong quyết định ly hôn của Tòa đã có vấn đề mức cấp dưỡng nuôi con hàng tháng hay chưa, cụ thể là:

Trường hợp 1: Nếu trong quyết định ly hôn của Tòa đã ghi mức cấp dưỡng là 1,2 triệu đồng/tháng thì hiện nay dì của bạn có thể mang quyết định đó lên cơ quan thi hành án cùng cấp với Tòa án nhân dân trước đây đã ra quyết định đó và yêu cầu cưỡng chế thi hành án.

Trường hợp 2: Nếu trong quyết định ly hôn của Tòa chưa ghi mức cấp dưỡng là 1,2 triệu đồng/tháng thì hiện dì của bạn có thể kiện lên Tòa án nhân dân cấp huyện nơi chồng cũ của dì cư trú yêu cầu cấp dưỡng.Tuy nhiên, Khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành Án Dân sự 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 về hoãn thi hành án quy định:

“1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án trong trường hợp sau đây:

a) Người phải thi hành án bị ốm nặng, có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên; bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án;

b) Chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định;

c) Đương sự đồng ý hoãn thi hành án; việc đồng ý hoãn thi hành án phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của đương sự; trong thời gian hoãn thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác;

d) Tài sản để thi hành án đã được Tòa án thụ lý để giải quyết theo quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật này; tài sản được kê biên theo Điều 90 của Luật này nhưng sau khi giảm giá theo quy định mà giá trị bằng hoặc thấp hơn chi phí và nghĩa vụ được bảo đảm;

đ) Việc thi hành án đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 170 và khoản 2 Điều 179 của Luật này;

e) Người được nhận tài sản, người được giao nuôi dưỡng đã được thông báo hợp lệ 02 lần về việc nhận tài sản, nhận người được nuôi dưỡng nhưng không đến nhận;

g) Việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án theo quy định tại Điều 54 của Luật này chưa thực hiện được vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan;

h) Tài sản kê biên không bán được mà người được thi hành án không nhận để thi hành án theo quy định tại khoản 3 Điều 104 của Luật này.”

Theo đó, trước khi làm thủ tục yêu cầu thi hành án hoặc kiện như trên, gia đình cần lưu ý là nếu thực sự chồng cũ của dì hiện thực sự bị gãy chân, có xác nhận của cơ sở y tế về việc không thể trực tiếp lao động tạo ra thu nhập và không có khả năng cấp dưỡng thì có thể được xem xét để được hoãn thi hành án.

Trên đây là nội dung tư vấn về: Yêu cầu cấp dưỡng cho con sau ly hôn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn luật hôn nhân gia đình để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169