Mạc Thu Trang

Tư vấn về việc xử lý nợ khi cho vay qua hình thức tín chấp

Hình thức cho vay tín chấp là một dạng vay vốn khá phổ biến và quen thuộc đối với nhiều người hiện nay. Tuy nhiên, nhiều người khi vay tiền theo hình thức này không khỏi gặp những khó khăn bởi vì chưa hiểu rõ về hình thức vay tiền tín chấp. Do đó rất dễ xảy ra tranh chấp liên quan đến việc trả giữa các bên. Vậy xử lý nợ khi cho vay qua hình thức tín chấp như thế nào? Để giải đáp những thắc mắc trên, Công ty Luật Minh Gia sẽ cung cấp những kiến thức liên quan về vấn đề này thông qua bài viết dưới đây.

1. Vay tiền qua hình thức tín chấp là gì?

Tín chấp là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 ( sau đây gọi là BLDS). Theo Điều 344 BLDS 2015 quy định:

“Điều 344. Bảo đảm bằng tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội

Tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật.”

Ngoài ra, tại Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (sau đây gọi là Nghị định 21/2021/NĐ-CP) còn quy định chi tiết về quyền và nghĩa vụ của các bên trong tín chấp.    

“Điều 46. Quyền, nghĩa vụ của các bên trong tín chấp

1. Bên bảo đảm bằng tín chấp có quyền, nghĩa vụ:

a) Chủ động hoặc phối hợp chặt chẽ với tổ chức tín dụng cho vay để giúp đỡ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho người vay; giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả; đôn đốc trả nợ đầy đủ, đúng hạn;

b) Xác nhận theo yêu cầu của tổ chức tín dụng cho vay về điều kiện, hoàn cảnh của người vay khi vay vốn;

c) Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.

2. Tổ chức tín dụng cho vay có quyền, nghĩa vụ:

a) Yêu cầu bên bảo đảm bằng tín chấp phối hợp trong việc kiểm tra sử dụng vốn vay và đôn đốc trả nợ;

b) Phối hợp với bên bảo đảm bằng tín chấp trong việc cho vay và thu hồi nợ;

c) Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.

3. Người vay có quyền, nghĩa vụ:

a) Sử dụng vốn vay để sản xuất, kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống hoặc tiêu dùng phù hợp với mục đích vay;

b) Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức tín dụng cho vay và bên bảo đảm bằng tín chấp kiểm tra việc sử dụng vốn vay;

c) Trả nợ đầy đủ gốc và lãi vay (nếu có) đúng hạn cho tổ chức tín dụng cho vay;

d) Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.”

Căn cứ theo các quy định trên, có thể hiểu vay tiền qua hình thức tín chấp là việc tổ chức chính trị xã hội tại cơ sở bằng uy tín của mình để bảo đảm cho thành viên của mình vay vốn tại các tổ chức tín dụng bằng việc xác nhận về điều kiện, hoàn cảnh của cá nhân, hộ gia đình nghèo khi vay vốn và phối hợp chặt chẽ với tổ chức tín dụng giúp đỡ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay vốn; giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả; đôn đốc trả nợ đầy đủ, đúng hạn cho tổ chức tín dụng.

2. Xử lý nợ khi cho vay qua hình thức tín chấp như thế nào?

Nội dung đề nghị tư vấn: Cho em hỏi đoàn thể xã hội có đứng ra tín chấp cho chị tổ trưởng chịu trách nhiệm thu và nộp tiền vay hàng tháng cho ngân hàng theo vốn vay là 20 triệu/hộ, mỗi tháng đóng 1.820.000 đồng trong vòng 12 tháng. Trong quá trình thu lời và gốc không cần qua tổ chức đoàn thể mà tổ trưởng trực tiếp giao dịch nộp cho ngân hàng. Hiện nay chị tổ trưởng đó vắng mặt tại địa phương, chị đã thu một số tiền của các hộ nhưng chưa nộp cho ngân hàng và một số hộ khi được đòi không trả vì họ nói đã nộp cho tổ trưởng. Hỏi trong trường hợp này ai sẽ phải chịu trách nhiệm và chịu như thế nào ạ. Vay từ tháng 1 thì đến tháng 8 vẫn giao dịch bình thường và từ tháng 9 chị đó không có mặt tại địa phương. Mong được luật sư giải đáp, ngân hàng có kiện ra tòa đối với các hộ chưa nộp không ạ?

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ theo Điều 344 BLDS 2015 quy định về bảo đảm bằng tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội như sau:

“Điều 344. Bảo đảm bằng tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội

Tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật.”

Căn cứ theo khoản 2 Điều 46 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức tín dụng như sau:

“Điều 46. Quyền, nghĩa vụ của các bên trong tín chấp

2. Tổ chức tín dụng cho vay có quyền, nghĩa vụ:

a) Yêu cầu bên bảo đảm bằng tín chấp phối hợp trong việc kiểm tra sử dụng vốn vay và đôn đốc trả nợ;

b) Phối hợp với bên bảo đảm bằng tín chấp trong việc cho vay và thu hồi nợ;

c) Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.”

Căn cứ theo khoản 3 Điều 46 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định về quyền và nghĩa vụ của người vay như sau:

“Điều 46. Quyền, nghĩa vụ của các bên trong tín chấp

3. Người vay có quyền, nghĩa vụ:

a) Sử dụng vốn vay để sản xuất, kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống hoặc tiêu dùng phù hợp với mục đích vay;

b) Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức tín dụng cho vay và bên bảo đảm bằng tín chấp kiểm tra việc sử dụng vốn vay;

c) Trả nợ đầy đủ gốc và lãi vay (nếu có) đúng hạn cho tổ chức tín dụng cho vay;

d) Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.”

Như vậy, căn cứ vào các quy định pháp luật trên, đối với trường hợp của bạn, tổ chức đoàn thể xã hội là đơn vị có trách nhiệm đôn đốc người vay trả nợ ngân hàng. Theo thông tin bạn cung cấp thì quá trình thu lời và gốc không cần qua tổ chức đoàn thể mà tổ trưởng trực tiếp giao dịch nộp cho ngân hàng. Do đó, khi xảy ra sự việc người thu tiền không có mặt tại địa phương thì cần phải xem xét người này đã thu tiền hay chưa? Nếu người tổ trường đó chưa thu tiền của tháng 9 thì bạn và các hộ gia đình khác vay tiền có nghĩa vụ phải trả tiền lại cho ngân hàng. Nếu người tổ trưởng đã thu tiền tháng 9 và không còn ở địa phương nữa thì bạn và các hộ gia đình vay tiền khác cần xuất trình giấy tờ hoặc bằng chứng chứng minh đã trả tiền cho người tổ trường. Khi đó, ngân hàng sẽ phải yêu cầu người tổ trường trả lại tiền cho ngân hàng (vì người tổ trường là đại diện theo ủy quyền cho ngân hàng thực hiện việc thu tiền). 

Nếu người tổ trưởng đã thu tiền nhưng có dấu hiệu bỏ trốn nhằm chiếm đoạt số tiền này thông qua hợp đồng ủy quyền đối với ngân hàng thì có thể xem xét trách nhiệm hình sự đối với hành vi lạm dụng tín nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định của Bộ luật hình sự. Ngân hàng có quyền trình báo cơ quan công an tiến hành điều tra, xác minh và có phương án giải quyết. Nếu người tổ trưởng vắng mặt tại địa phương nhưng không có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản mà do một lý do khách quan nào khác mà chưa hoàn trả cho ngân hàng số tiền đã thu thì ngân hàng có quyền khởi kiện dân sự đòi số tiền này.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo