Đinh Thị Minh Nguyệt

Tư vấn về việc làm lại giấy khai sinh cho con ngoài giá thú

Hiện nay, pháp luật không cấm việc sinh con ngoài giá thú. Tuy nhiên, theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy đinh về việc xác định cha mẹ co con thường dựa vào thời kì hôn nhân và thời điểm mang thai của người vợ. Trong khi đó, con ngoài giá thú lại là con được sinh ra mà cha mẹ không đăng ký kết hôn. Vì vậy, khi làm giấy khai sinh hay làm lại giấy khai sinh cho con khó tránh gặp phải những khó khăn, vướng mắc về thủ tục.

Tôi muốn thêm tên mình vào giấy khai sinh nhưng vẫn giữ nguyên họ mẹ cho con thì cần những thủ tục gì? Hiện người mẹ đã bỏ đi còn tôi thì làm việc ở nước ngoài không thể về. Liệu tôi có thể ủy quyền cho người khác làm lại giấy khai sinh cho con mình không? Xin luật sư tư vấn giúp! Cụ thể như sau:

Chào luật sư! Tôi muốn luật sư tư vấn giúp về việc làm lại giấy khai sinh cho con ngoài giá thú. Hiện tại trong giấy khai sinh chỉ có tên mẹ và con mang họ của mẹ. Vậy nếu muốn thêm tên bố vào giấy khai sinh nhưng vẫn để con mang họ của mẹ thì làm như thế nào và cần những thủ tục gì ạ? Người bố hiện đang sống và làm việc ở nước ngoài, người mẹ đã bỏ đi và không có liên lạc gì với gia đình. Bố muốn đón con sang đoàn tụ nhưng sở ngoại kiều ở Việt Nam đòi hỏi giấy khai sinh của con phải có cả họ tên của người bố. Và nếu như người bố không về Việt Nam làm lại giấy khai sinh cho con được thì có thể ủy quyền cho người khác làm được không? Xin luật sư tư vấn giúp!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Điểm e khoản 1 Mục II Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 02/6/2008 hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định rõ về việc xác định họ và quê quán như sau:

“Khi đăng ký khai sinh, họ và quê quán của con được xác định theo họ và quê quán của người cha hoặc họ và quê quán của người mẹ theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của cha, mẹ.

Trong trường hợp đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không có quyết định công nhận việc nhận cha cho con, thì họ và quê quán của con được xác định theo họ và quê quán của người mẹ.”

Như vậy, việc bạn muốn giữ nguyên họ của mẹ cho con được pháp luật cho phép. Để thêm tên của cha vào giấy khai sinh cho con thì trước hết người cha cần làm thủ tục nhận con.

Việc nhận cha phải đáp ứng được các điều kiện được quy định tại Điều 30 Nghị định 126/2014/NĐ-CP như sau:

“1. Việc nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau mà ít nhất một bên thường trú tại Việt Nam theo quy định của Nghị định này chỉ được thực hiện nếu bên nhận và bên được nhận đều còn sống vào thời điểm nộp hồ sơ; việc nhận cha, mẹ, con là tự nguyện và không có tranh chấp về việc nhận cha, mẹ, con.
Trường hợp một hoặc cả hai bên không còn sống tại thời điểm nộp hồ sơ hoặc có tranh chấp về xác định cha, mẹ, con thì vụ việc do Tòa án giải quyết.

2. Trong trường hợp người được nhận là con chưa thành niên thì phải có sự đồng ý của mẹ hoặc cha, trừ trường hợp mẹ hoặc cha đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự. Nếu con chưa thành niên từ đủ chín tuổi trở lên thì việc nhận cha, mẹ, con phải có sự đồng ý của người con đó.

3. Con đã thành niên nhận cha không phải có sự đồng ý của mẹ, nhận mẹ không phải có sự đồng ý của cha, mẹ.

4. Trường hợp con chưa thành niên nhận cha thì mẹ làm thủ tục nhận cha cho con, nhận mẹ thì cha làm thủ tục cho con. Trường hợp con chưa thành niên nhận cha mà người mẹ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc nhận mẹ mà người cha đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự thì người giám hộ làm thủ tục nhận cha hoặc nhận mẹ cho con.”

Về hồ sơ và trình tự giải quyết việc nhận con, bạn có thể tham khảo Điều 32 và Điều 34 Nghị định 126/2014/NĐ-CP.

Tuy nhiên có một điểm cần lưu ý đối với trường hợp của bạn về trình tự giải quyết được quy định tại Khoản 5 Điều 34 Nghị định này, đó là: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày Giám đốc Sở Tư pháp ký Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con, trừ trường hợp có lý do chính đáng mà các bên cha, mẹ, con có yêu cầu khác về thời gian thì Sở Tư pháp ghi vào sổ đăng ký việc nhận cha, mẹ, con và trao Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con cho các bên cha, mẹ, con. Khi trao Quyết định công nhận cha, mẹ, con, bên nhận và bên được nhận phải có mặt.”

Như vậy có nghĩa là người cha buộc phải có mặt khi trao quyết định công nhận cha mà không thể ủy quyền cho người khác có mặt thay. Sau khi đã có quyết định công nhận việc nhận cha thì bạn có thể yêu cầu UBND cấp xã nơi đăng ký giấy khai sinh cho người con ghi bổ sung phần khai về cha trong sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh của người con.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169