Trần Tuấn Hùng

Tư vấn về vấn đề quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

Tư vấn về trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khi không tìm được người bị kiện, làm thế nào để khởi kiện khi không biết người bị kiện đang ở đâu?

 

Nội dung câu hỏi: tôi có bán có bán bia cho quán anh Đ giá tiền 150 triệu chủ quán nhận hàng xong có ký nhận trong sổ giao hàng của tôi nhưng nay bể nô đã bỏ nhà đi toi tìm không được.Tôi biết anh Đ có 02 thửa đất do anh  Đ đứng tên trên sồ đỏ do dó tôi đã gởi đơn đến tòa án kiện anh  Đ lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của tôi và yêu cầu tòa kê biên 02 miếng đất của anh A để thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho tôi thì tòa có yêu cầu tôi nộp tiền đảm bảo để phong tỏa tài sản anh Đ, và tôi đã đồng ý. Sau  khoảng hơn 1 tuần thì thẩm phán có ra Quyết định đình chỉ vụ án với lý do bên kiện không liện hệ tìm được anh Đ bên bị kiện. Trong thời gian kiện tôi có đi tìm anh  Đ nhiều lần nhưng không tìm được, Tôi nhận thấy anh Đ trốn nợ thì đau dể tìm nhưng bên tòa án bảo tìm không được anh  Đ thì đình chỉ vụ án thì tôi không biết phải làm sao trong khi anh  Đ còn 02 thửa đất là tài sản của anh Đ.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Điều 6 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP Xử lý việc ghi địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:



"1. Trường hợp trong đơn khởi kiện người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo hướng dẫn tại Điều 5 Nghị quyết này thì Tòa án phải nhận đơn khởi kiện và xem xét thụ lý vụ án theo thủ tục chung. 



2. Trường hợp sau khi thụ lý vụ án, Tòa án không tổng đạt được thông báo về việc thụ lý vụ án do bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không còn cư trú, làm việc hoặc không có trụ sở tại địa chỉ mà nguyên đơn cung cấp thì Tòa án giải quyết như sau: 



a) Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo địa chỉ được ghi trong giao dịch, hợp đồng bằng văn bản thì được coi là “đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở”. Trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thay đổi nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong giao dịch, hợp đồng mà không thông báo cho người khởi kiện biết về nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở mới theo quy định tại khoản 3 Điều 40, điểm b khoản 2 Điều 277 Bộ luật dân sự năm 2015 thì được coi là cố tình giấu địa chỉ và Tòa án tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không đình chỉ việc giải quyết vụ án vì lý do không tổng đạt được cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; "

 

Theo thông tin mà bạn cung cấp, Tòa án đã quyết định đình chỉ giải quyết vụ án mà bạn khởi kiện vì lý do không tìm được người bị kiện. Căn cứ quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP thì trường hợp người bị kiện đã chuyển đi nơi khác nhưng không thông báo với người khởi kiện biết thì Tòa vẫn phải tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng chung và không đình chỉ giải quyết vụ án vì lý do không tống đạt được cho bị đơn. Tòa án không được đình chỉ giải quyết vụ án khi không có một trong các căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định của Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015:

 

Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về đình chỉ giải quyết vụ án dân sự:

 

“1. Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:

 

a) Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;

 

b) Cơ quan, tổ chức đã bị giải thể, phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó;

 

c) Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;

 

d) Đã có quyết định của Tòa án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự trong vụ án mà việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó;

 

đ) Nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này.

 

Trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

 

e) Đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết;

 

g) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 192 của Bộ luật này mà Tòa án đã thụ lý;

 

h) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật."

 

Nếu anh Đ trốn đi vì không trả được nợ và chiếm đoạt số tiền đã mua hàng của bạn thì hành vi này bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017:


“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: 

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; 

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.”

 

Nếu anh Đ có dấu hiệu của tội làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì bạn có quyền tới cơ quan công an trình báo sự việc và yêu cầu cơ quan công an xác minh và xử lý hành vi trên.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng

CV tư vấn: Nông Diệp - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo