Tư vấn về vấn đề đồng thuận ly hôn khi người vợ đang mang thai

Kinh gửi quý công ty Luật Minh Gia. Hiện em đang có một vài thắc mắc vấn đề vợ đang mang thai nhưng vợ chồng đồng thuận ly hôn, tư vấn về vấn đề họ tên của con sau khi ly hôn muốn nhờ quý công ty tư vấn giúp em. Em sinh 1984 và vợ em sinh 1987 hiện chúng em có 3 cháu. Cháu đầu sinh năm 2009, cháu thứ hai sinh năm 2013 và một cháu mới được 8 tuần tuổi.

 

Trong thời gian qua vợ chồng em có nhiều khúc mắc không thể giải quyết được (không liên quan đến chuyện ngoại tình chỉ là bất đồng quan điểm sống với nhau và không thể nói chuyện với nhau được). Vợ chồng em đã đồng thuận và quyết định ly hôn với nhau, vợ em đã nhờ được người quen dưới tòa sẽ giải quyết cho chúng em trong vòng một ngày là xong. Tuy nhiên vợ em có nói là với nhà cửa em sẽ nhường lại cho cô ấy, hai con em sẽ nuôi, đồng thời gia đình em vẫn ở chung với nhau cho đến khi nào một trong hai người muốn ra đi thì em và con em sẽ phải ra đi. Vậy em muốn hỏi quý công ty là nếu em đồng ý ly hôn nhưng em cần có những giấy tờ gì để sau này khi đứa thứ 3 của vợ chồng em sinh ra em vẫn được yêu cầu đặt tên con theo họ của em và trong thời gian sống vợ em không thể đuổi bố con em đi bất cứ lúc nào cũng được (vì kinh tế em cũng khá khó khăn gia đình lại xa nếu em chuyển về quê thì 2 con em sẽ phải chuyển trường và ảnh hưởng đến công tác). Em rất mong được tư vấn của quý công ty. Mong sớm nhận được phản hồi của quý công ty vì hiện em cũng đang rất buồn và suy sụp. Trân trọng cảm ơn quý công ty!

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, đối với trường hợp trên chúng tôi tư vấn như sau:

 

Ly hôn là phương án lựa chọn cuối cùng khi những mâu thuẫn giữa vợ chồng trở nên trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Nếu mâu thuẫn chưa đến mức nghiêm trọng thì bạn nên cố gắng dung hòa cuộc sống và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định của mình. Đối với trường hợp của vợ chồng bạn, như thông tin bạn cung cấp, vợ chồng bạn chỉ là vấn đề bất đồng quan điểm nên nếu có thể khắc phục thì nên tiếp tục duy trì hôn nhân vì tình cảm vợ chồng và quyền lợi của các con.

 

Căn cứ Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:

 

“Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

 

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.

 

“Điều 55. Thuận tình ly hôn

 

Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”

 

Như thông tin ở trên, vợ bạn đang mang thai cháu thứ ba, kinh tế của bạn vẫn đang còn khó khăn, bạn phải nuôi  con nhỏ, vấn đề về công việc của bạn, trường học của hai con bạn đều chưa được giải quyết ổn thỏa. Như vậy, mặc dù vợ chồng bạn thuận tình ly hôn, nhưng chưa có những điều kiện đảm bảo về việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con bạn thì rất khó để Tòa án công nhận thuận tình ly hôn.

 

Nếu Tòa án chấp nhận đề nghị đồng thuận ly hôn thì sau khi ly hôn, vấn đề họ tên con thứ 3 của bạn, bạn không cần quá lo lắng về vấn đề này. Tại Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

 

“Điều 88. Xác định cha, mẹ

 

1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

…”

Theo đó, cả vợ và chồng đều có quyền và nghĩa vụ nhất định đối với con của mình kể cả khi quan hệ hôn nhân chấm dứt. Vì vậy, việc yêu cầu đổi họ tên cho con theo yêu cầu của một bên là vợ hoặc chồng đều phải được sự đồng ý của bên còn lại. Trường hợp của bạn, việc đặt họ tên cho con bạn phải được sự đồng ý của hai vợ chồng bạn.

 

Về đăng kí khai sinh cho con, tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định:

 

Điều 15. Đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ

2. Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.”

 

Như vậy, chỉ trong trường hợp không xác định được người cha thì phần ghi về người cha trong sổ đăng kí khai sinh và giấy khai sinh mới được để trống. Khi vợ bạn sinh con, bắt buộc phải ghi tên cha vào giấy khai sinh của cháu bé.

 

Về họ của cháu bé, theo điểm a Khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định:

 

“Điều 4. Xác định nội dung đăng ký khai sinh, khai tử

 

1. Nội dung khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 của Luật Hộ tịch và quy định sau đây:

 

a) Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán;

…”

Theo đó, họ và quê quán của con được xác định theo họ và quê quán của cha hoặc mẹ theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của cha, mẹ. Vì vậy, nếu tập quán là đặt theo họ của cha thì họ của con bạn sẽ đặt theo họ bạn, trường hợp vợ bạn muốn đặt họ của con theo họ mẹ thì giữa hai vợ chồng bạn phải thỏa thuận với nhau.

 

Ngoài ra, vợ chồng bạn cũng đã thỏa thuận về việc chia tài sản và nuôi con, sau khi ly hôn, vợ bạn có thể yêu cầu bạn rời khỏi nơi ở hợp pháp.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Nguyễn Khánh Phượng - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169