Tư vấn về trường hợp đăng ký nuôi con nuôi
Câu hỏi tư vấn: Tôi có nuôi một cháu ruột khi mẹ nó mất đến nay đã 17 năm nhưng không có làm giấy làm con nuôi. Nay cha nó mất nó đã 20 tuổi đang học đại học, tôi không chồng con, tôi muốn làm giấy tờ cho nó làm con nuôi, để sau này tôi muốn để lại toàn bộ tài sản của tôi cho nó, không bị tranh chấp. Vậy tôi phải làm sao để hợp thức tài sản về sau?
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Theo Điều 8 Luật Nuôi con nuôi 2010 về người được nhận làm con nuôi thì:
“1. Trẻ em dưới 16 tuổi
2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;
b) Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.
3. Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.”
Như vậy, vì cháu của bạn đã 20 tuổi nên bạn không được làm thủ tục đăng ký nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật. Vì vậy, bạn chỉ có thể để lại tài sản của mình cho cháu qua việc viết di chúc. Tuy nhiên, nếu cha mẹ bạn còn sống thì bạn không thể để lại toàn bộ tài sản của mình cho cháu được vì theo Bộ luật dân sự 2015 thì:
“Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định ...
1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.”
Còn nếu cha mẹ bạn đều đã mất thì bạn hoàn toàn có thể để toàn bộ tài sản của mình cho cháu ruột được.
Trên đây là nội dung tư vấn của công ty Luật MInh Gia về vân sđề đăng ký nuôi con nuôi. Trường hợp còn vướng mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email hoặc gọi điện để được tư vấn trực tuyến.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất