Nguyễn Thu Trang

Tư vấn về trường hợp cho vay nặng lãi và nghĩa vụ liên đới

Tôi có vay của chị T 2 khoản tiền:Một là 100 triệu đồng vào giữa tháng 7/2015, lãi suất 4000 đ/ngày/1 triệu; cứ 10 ngày là tôi đóng 4 triệu tiền lãi; giao dịch miệng, không ghi biên nhận nợ, đóng lãi cũng không ghi, cứ tới ngày chị T điện thoại hối tôi đóng lãi. Đến khoảng tháng 10/2015 tôi có vay thêm của chị T 65 triệu cũng với lãi suất 4000 đ/ngày/1 triệu; số tiền 65 triệu tôi được 3 lần 7,8 triệu đồng. Sau đó tôi không có năng đóng lãi, gần 1 tháng sau, tôi vay Ngân hàng chính sách 80 triệu

Thời điểm này chị T tính cả 2 phần lãi của 100 triệu và 65 triệu là 9,2 triệu đồng. 100 triệu trả 80 triệu còn 20 triệu cộng 65 triệu, cộng lãi 9,2 triệu và chị đưa 800 ngàn, tổng cộng lúc này chị tính tôi còn nợ chị 95 triệu đồng. Khoảng hơn 3 tháng sau, tôi chạy nhờ người thân vay ngân hàng được 28 triệu, và chị tính lãi tôi tổng cộng là 46 triệu đồng. Chị ép tôi ký giấy nợ là có thiếu chị 113 triệu đồng. chị hăm dọa đủ thứ tôi buộc phải ký. Lúc này tôi không còn khả năng trả, tôi xin chị từ từ để tôi lo trả vốn. chị khoogn đồng ý và đưa dân anh chị gặp mặt, hăm dọa và đòi vô nhà lấy tiền, Tôi rất sợ, vì số tiền cả gốc và lãi tôi đưa chị gần bằng số tiền tôi mượn, mà tôi phải ký nợ trên 100 triệu nữa. Trường hợp này chị T có vi phạm vấn đề cho vay nặng lãi không? Tôi phải làm gì khi chị ta đưa xã hội đen vô nhà tôi siết nợ? Chị T nói chồng làm UB huyện gì đó, có quen công an, tòa án nhiều lắm? Chị buộc tôi phải trả trong khi hiện tại vì số tiền lãi mẹ đẻ lãi con tôi trả không nổi, tôi làm hưởng phụ cấp 1600 ngàn/ 1 tháng, không có tài sản bất động sản, chỉ có chiếc xe honda. Trường hợp này chồng tôi không biết, nếu chị T làm um sùm lên thì phía chồng tôi theo quy định pháp luật có phải chịu trách nhiệm liên đới gì không? xin vui lòng tư vấn giúp gửi qua mail riêng. Xin chân thành cảm ơn.

 

Trả lời tư vấn

 

Cảm ơn bạn đã gửi nội dung tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với những thắc mắc của bạn, chúng tôi xin đưa ra ý kiến tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, chị T có vi phạm về cho vay nặng lãi không?

 

Theo điều 163 Bộ luật hình sự có quy định về Tội cho vay nặng lãi như sau:

 

"1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.

 

2.  Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 6 tháng đến ba năm.

 

3.  Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."

 

Như vậy, việc cho vay nặng lãi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn hai dấu hiệu sau đây:

 

- Thứ nhất: Lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên. Theo quy định của khoản 1 Điều 476 Bộ Luật Dân sự về lãi suất thì lãi suất vay do các bên thỏa thuận không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng, nếu lãi suất cho vay gấp 10 lần mức lãi suất này thì có dấu hiệu của tội cho vay nặng lãi.

 

- Thứ hai: Có tính chất chuyên bóc lột được hiểu là người phạm tội lợi dụng việc cho vay, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn cấp bách của người đi vay để cho vay với lãi suất cao (lãi nặng) nhằm thu lợi bất chính mà thực chất là bóc lột người đi vay. Tính chất chuyên bóc lột của hành vi cho vay lãi nặng thể hiện ở chỗ: người phạm tội thực hiện hành vi cho vay lãi nặng nhiều lần, hành vi mang tính chuyên nghiệp, người phạm tội lấy việc cho vay lãi nặng làm một nghề kiếm sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

 

Về trường hợp của bạn, hiện tại lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước công bố là  9%/ năm tức là 0.75 %/ tháng, lãi suất tối đa mà các bên có thể thỏa thuận là 150% của lãi suất này tức là không quá 1.125%/ tháng tương đương với 11,250 đồng / tháng/ 1 triệu. Như vậy, mức lãi suất tối đa sẽ không quá 375 đồng/ ngày/ 1 triệu mà chị T cho bạn vay với lãi suất là 4000/ngày/ triệu đã vượt quá 10 lần mức lãi suất tối đa được quy định nên đã có dấu hiệu của tội cho vay nặng lãi.

 

Như đã phân tích ở trên thì để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay nặng lãi khi thỏa mãn 2 dấu hiệu về mức lãi suất và có tính chất bóc lột. Số lãi chị T cho bạn vay đã vượt quá 10 lần mức quy định của pháp luật nên bạn có thể tố giác chị T ra công an Huyện nơi chị T cư trú để công an huyện vào cuộc tiến hành điều tra nếu có căn cứ chứng minh hành vi cho vay nặng lãi của chị T có tính chất bóc lột như đã phân tích ở trên thì chị T sẽ bị xử lý hình sự về tội cho vay nặng lãi.

 

Thứ hai, phải làm gì khi bị xã hội đen vào nhà siết nợ

 

Do bạn không nói rõ hành vi siết nợ của những người này như thế nào nên chúng tôi không thể đưa ra hướng giải quyết cụ thể cho bạn được nhưng nếu bạn cảm thấy có hành vi đe dọa đến tính mạng sức khỏe hay có hành vi phá hoại tài sản thì bạn có thể trình báo lên công an nơi bạn cư trú để họ can thiệp lập biên bản ghi nhận lại những hành vi này và có biện pháp xử lý nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

 

Thứ ba, trong trường hợp chồng bạn không biết gì về khoản nợ thì có phải chịu trách nhiệm liên đới gì không?

 

Về nguyên tắc, khoản nợ hình thành trong thời kỳ hôn nhân được xác định là nợ chung của hai vợ chồng. Tuy nhiên, nếu chồng bạn có đủ căn cứ để chứng minh chồng bạn không hề biết về khoản nợ này và bạn vay tiền không dùng vào việc sinh hoạt hay chi tiêu chung của gia đình thì chồng bạn sẽ không có trách nhiệm gì với khoản nợ này.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về trường hợp cho vay nặng lãi và nghĩa vụ liên đới. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV: Nguyễn Thị Thủy – Công ty Luật Minh Gia 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo