Tư vấn về trách nhiệm do người dùng chất kích thích gây ra
Kính chào Luật Sư Luật Minh Gia,Xin nhờ Luật sư tư vấn giúp Tôi tình huống sau;Em trai tôi năm nay 23 tuổi. Trong 1 lần nhậu say đã xảy ra ẩu đả và dùng dao làm bị thương 1 người. (Phần mặt khâu 30 mũi và 1 bên Tay trái bị thương gân). Gia đình tôi đã nhiều lần thăm hỏi và hoà giải tuy nhiên nạn nhân yêu cầu bồi thường 100tr .Gia đình tôi không chấp nhận, vì chi phí trị liệu chỉ tốn tầm 10tr. Hiện tại bên nạn nhân đang làm thủ tục kiện e trai tôi tội hình sự. Tôi cũng chưa biết nạn nhân bị thương tật bao nhiu %.Hiện có người nói với tôi, luật mới nếu bị thương ở mặt sẽ bị phán tội nặng hơn. Xin hỏi có căn cứ phân chia như vậy không? Điều nào, khoản mấy? Tôi có biết về điều 104 Bộ luật hình sự, nhưng không thấy có nói về tình huống phân chia thương tích ở mặt hay tay? Nhờ Luật sư xét giúp tôi các tình tiết giảm nhẹ? Ví dụ như say rượu không khống chế được hành vi, lần đầu phạm tội,có ý hối cãi và k chống đối, gia đình có thành ý xin lỗi...Với tình tiết giảm nhẹ như thế nào thì e tôi bị án treo? Chúng tôi sẽ bị phạt hành chính bao nhiu tiền? ngoài khoản tiền này thì chúng tôi có bị phạt phải chu cấp cho nạn nhân gì hay không? Chân thành cảm ơn Luật Sư Luật Minh Gia.
Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, đối với trường hợp trên chúng tôi tư vấn như sau:
Thứ nhất, nếu bị thương ở mặt thì mức hình phạt nặng hơn?
Tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác như sau:
“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
i) Có tính chất côn đồ;
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
…”.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, căn cứ để xác định mức hình phạt cho người thực hiện hành vi phạm tội căn cứ vào quy định của pháp luật: tỷ lệ mức thương tật, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, chứ không phải căn cứ vào vị trí thương tật ởmặt mà mức hình phạt nặng hơn.
Thứ hai, về các tình tiết giảm nhẹ
Theo quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 như sau:
Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;
e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;
g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;
l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;
m) Phạm tội do lạc hậu;
n) Người phạm tội là phụ nữ có thai;
o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;
p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
r) Người phạm tội tự thú;
s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
t)Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;
u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
x)Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.
2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.
Khi xem xét các yếu tố: Phạm tội lần đầu, người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả thì Tòa án căn cứ vào đó có thể giảm mức hình phạt cho em bạn.
Thứ ba, vấn đề hưởng án treo
Căn cứ tại Điều 65 Bộ luật hình sự 2015 quy định như sau:
Điều 65. Án treo
1. Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự.
2. Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.
3. Tòa án có thể quyết định áp dụng đối với người được hưởng án treo hình phạt bổ sung nếu trong điều luật áp dụng có quy định hình phạt này.
4. Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát, giáo dục, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.
5. Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.
Để được hưởng án treo thì Tòa án căn cứ mức hình phạt và các yếu tố về nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ như trên để có quyết định cho hưởng án treo.
Thứ tư, trách nhiệm dân sự sẽ được đặt ra trong trường hợp này là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do người thực hiện dùng chất kích thích gây ra tại Điều 596 Bộ luật dân sự 2015:
1. Người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường.
2. Khi một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Trân trọng.
CV tư vấn: Hà Huyền - Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất