Tư vấn về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản?
Bán nhà rồi ba con vẫn nghĩ là đã trả hết tiền nhưng thật ra vẫn còn nợ, còn mẹ con thì giấu diếm và cứ "vay đầu tôm, đắp đầu cá" mượn người này để trả lãi người kia. Gần 2 năm trôi qua, ông A và bà B vẫn chưa trả một đồng nào, nhưng nợ nần lại "ngặp mặt", mẹ con thì không mượn tiền người này đắp qua người kia nữa và đã đi làm giúp việc cho người ta.
Vừa rồi ông A nói sẽ trả 1 lô đất trước, rồi tiền thiếu trả sau. Nhưng mẹ con thì cứ bị chỗ này đòi, chỗ kia đòi, nhất là ngân hàng, mẹ con mượn không biết bao nhiêu là ngân hàng, 1 tháng mẹ con chỉ có 6 triệu, ba con thì cũng chỉ có 8 9 triệu, vừa trả tiền ngân hàng, vừa trả tiền học hành, vừa trả tiền cho mấy người cho vay nặng lãi ngoài kia thì thật quá sức và tháng này ba con bị phạt không có tiền lương, 1 tháng 5 miệng ăn nhưng chỉ có 6 triệu... nên đóng tiền trễ cho các ngân hàng, mẹ con bị khiếu nại, mời lên phường để giải quyết, con rất lo
Vậy liệu mẹ con có đang phạm tội lừa đảo không ạ? Nếu phạm thì chịu mức án như thế nào ạ? Chứ giờ con nghĩ trong gia đình con cũng chẳng còn 1 xu nào để trả cho ngân hàng, mà không trả thì chắc chắn bị kiện, nếu mẹ con nói cho bên ngân hàng đó hiểu thì bên ngân hàng đó liệu có còn truy tố không ạ? Mong luật sư giải đáp giùm con. Chân thành cảm ơn!
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Theo quy định của Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể:
“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
…”.
Như vậy, điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự là phải có dấu hiệu của hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản (dùng thủ đoạn gian dối để đưa ra những thông tin không đúng sự thật đánh lừa người khác và sau khi chiếm đoạt được tài sản lại có hành vi bỏ trốn, trốn tránh không thực hiện nghĩa vụ trao trả tài sản cho chủ sở hữu hợp pháp với giá trị tài sản nhất định).
Theo đó, đối chiếu với trường hợp của bạn thì do không cung cấp đầy đủ về số tiền vay ngân hàng và trong quá trình vay đến thời điểm phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ mẹ bạn có hành vi lẩn trốn nhằm chiếm đoạt tài sản hay không. Nên chúng tôi sẽ chia làm hai trường hợp cụ thể để làm cơ sở cho bạn xác định.
+ Trường hợp, ngay tại thời điểm vay mẹ bạn không có ý định nhằm chiếm đoạt tài sản của ngân hàng và tính đến định kỳ trả nợ (tháng, quý..) mẹ bạn vẫn thực hiện nghĩa vụ hoàn trả đầy đủ theo thỏa thuận. Tuy nhiên, đến thời điểm khó khăn mẹ bạn không có đủ khả năng trả dẫn tới việc chậm nộp nhưng đã có thông báo tới phía bên ngân hàng về lý do chậm nộp và xin gia hạn (không có lẩn trốn tránh khi bên ngân hàng liên hệ để nộp tiền) - không có dấu hiệu của hành vi lừa đảo. Do đó, không có cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở đây. Nên mặc dù họ có làm đơn khởi kiện thì cũng chỉ liên quan tới trách nhiệm dân sự (nghĩa vụ hoàn trả).
+ Trường hợp, khi đến hạn trả nợ mẹ bạn không thực hiện nghĩa vụ dẫn tới chậm nộp cho phía bên vay (ngân hàng). Đồng thời, cũng không liên hệ thông báo cho họ biết lý do trậm nộp là gì, liên tiếp có các hành vi lẩn trốn với mục đích không hoàn trả số tiền vay - có dấu hiệu của hành vi lừa đảo. Nên khi phía bên ngân hàng họ làm đơn khởi kiện ra Tòa thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và khung hình phạt gánh chịu sẽ căn cứ vào số tiền chiếm đoạt, hậu quả thực tế là thế nào. Đồng thời, do tội phạm quy định tại Điều 174 Bộ luật này bị khởi tố không phụ thuộc vào đơn yêu cầu của người bị hại.. Nên khi cơ quan điều tra phát hiện thấy có dấu hiệu của tội phạm thì kể cả khi đã có thỏa thuận với phía ngân hàng về khoản nợ thì vẫn tiến hành khởi tố vụ án.
Trân trọng!
CV P.Gái - công ty Luật Minh Gia.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất