Tư vấn về tội làm giả con dấu - tài liệu của cơ quan - tổ chức
1. Luật sư tư vấn pháp luật hình sự
Hiện nay, với sự phát triển của nền kinh tế xã hội thì tình hình tội phạm cũng ngày càng gia tăng đặc biệt là các tội phạm liên quan đến hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Các hành vi phạm tội này ngày càng diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến các hoạt động của cơ quan, tổ chức, ảnh hưởng đến quyền lợi và đời sống của người dân.
Hành vi làm giả hoặc sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức hiện nay có diễn biến rất tinh vi và khó phát hiện. Các loại giấy tờ có thể bị làm giả hiện nay rất phong phú như: văn bằng, chứng chỉ, giấy khám sức khỏe, giấy tờ xe, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Nếu bạn đang gặp các vướng mắc liên quan đến hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức hoặc hành vi sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức thì bạn hãy liên hệ với công ty Luật Minh Gia thông qua các hình thức như gửi Email tư vấn để được đội ngũ luật sư, chuyên viên tư vấn pháp luật của chúng tôi hỗ trợ giải đáp các thắc mắc của mình.
2. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc bất kỳ giấy tờ nào khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân.
I. Dấu hiệu pháp lý
- Khách thể: tội phạm này xâm phạm trật tự quản lý hành chính Nhà nước, tổ chức và xâm phạm sự hoạt động bình thường, uy tín của cơ quan Nhà nước, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước về con dấu, tài liêu hoặc giấy tờ khác
Đối tượng phạm tội là con dấu, tài liệu giả hoặc giấy tờ giả.
- Khách quan:
Người phạm tội có một trong hai hành vi sau:
+ Làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức: là hành vi của người không có thẩm quyền cấp các giấy tờ đó nhưng đã tạo ra các giấy tờ đó bằng những phương pháp nhất định để coi nó như thật. Việc làm giả này có thể là giả toàn bộ hoặc chỉ từng phần (tiêu đề, chữ ký, con dấu, nội dung…). Hành vi phạm tội này hoàn thành kể từ khi người không có thẩm quyền tạo ra được con dấu, tài liệu, các giấy tờ giả của một cơ quan Nhà nước, tổ chức nhất định (kể cả cơ quan Nhà nước hay tổ chức đó không có thật hoặc đã bị giải thể). Điều luật không yêu cầu việc “làm” giả này phải nhằm sử dụng hoặc đã sử dụng vào mục đích gì.
+ Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân. Đây là trường hợp người phạm tội không có hành vi “làm” giả các đối tượng trên nhưng đã có hành vi “sử dụng” chúng để lừa dối cơ quan Nhà nước, tổ chức hoặc công dân. “Lừa dối” ở đây có nghĩa là người phạm tội sử dụng các đối tượng đó trong giao dịch với cơ quan Nhà nước, tổ chức hoặc công dân khiến cho các đối tác giao dịch tin đó là đối tượng thật.
Ví dụ: Sử dùng bằng tốt nghiệp giả để đi xin việc, được bổ nhiệm, được tăng lương, để đi lao động nước ngoài; làm giả sổ hộ khẩu để nhận việc làm ở thành phố, để được giao đất trồng rừng,…
Hành vi sử dụng con dấu, giấy tờ…trong Điều 341 là sử dụng các con dấu, giấy tờ…được tạo ra từ nguồn gốc không đúng thẩm quyền. Đối với hành vi sử dụng, tội phạm hoàn thành khi người phạm tội có hành vi sử dụng các đối tượng trên để lừa dối cơ quan Nhà nước, tổ chức hoặc công dân, không cần xảy ra hậu quả.
Điều luật chỉ quy định người sử dụng các giấy tờ, tài liệu vào mục đích lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân. Vì vậy, nếu hành vi “lừa dối” đã đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về tội phạm này.
- Chủ quan: là lỗi cố ý trực tiếp. Đối với hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức thì không cần mục đích nhưng hành vi sử dụng chúng thì cần mục đích là để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân.
- Chủ thể: bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định
II. Hình phạt
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:
- Có tổ chức;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
- Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
- Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
- Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm:
- Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;a
- Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
- Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất