Vũ Thanh Thủy

Tư vấn về tội danh Vu khống

Thưa luật sư, em có một việc xin nhờ luật sư tư vấn giúp như sau: em bị dư luận đồn thổi có quan hệ bất chính với chồng của một người, bị bắt và bị chụp hình, vợ của người này xỉu phải cấp cứu. Nhưng vợ người này không quậy phá em hay có hành vi gì với em cả, mà chỉ có tin đồn.

Em cũng không nghe tin này từ vợ người đàn ông đó nói.em chỉ được nghe kể lại từ một người bạn của cô vợ này, va em đã ghi âm toàn bộ câu chuyện, cô bạn có nói là chồng bạn cô ta cặp bồ với em và bị cô ta bắt được và chụp ảnh. Thưa luật sư, sự việc như vậy em có nên làm đơn kiện cô này được không, quy trình em phải làm như thế nào,chứng cứ như em kể có đủ để kiện cô ta chưa. Vì sự việc cũng khá nghiêm trọng rất mong sớm nhận được sự tư vấn của luật sư. 
 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn trường hợp của bạn như sau:

 

Tại Điều 156 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội vụ khống như sau:

 

“Điều 156. Tội vu khống

 

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

 

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

 

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

 

a) Có tổ chức;

 

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

 

c) Đối với 02 người trở lên;

 

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;

 

đ) Đối với người đang thi hành công vụ;

 

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

…”.

 

Để có thể khởi kiện người bạn nghi ngờ về tội danh vu khống, bạn cần phải chứng minh được những căn cứ sau để được Tòa án bảo vệ.

 

Đối với người phạm tội

 

Để khởi kiện một cá nhân có hành vi vu khống người khác, bạn phải tìm được bằng chứng cho thấy rằng họ có một trong các hành vi sau:

 

+ Bịa đặt những điều không có thực.

 

Bịa đặt là tự nghĩ ra một điều gì đó không có đối với người khác, ví dụ người khác không có quan hệ bất chính với chồng minh nhưng lại bịa đặt rằng người khác làm như vậy hoặc cáo buộc họ vào một tội danh mà không có chứng cứ rõ ràng,…. Để khởi kiện được người bạn đang nghi ngờ có hành vi vu khống, bạn bạn phải có bằng chứng từ chính lời cố ý nói ra, hoặc có chứng cứ chứng minh người đó đang cố ý bịa đặt, gán cho bạn tội danh Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (Điều 147 Bộ luật hình sự) thì bạn đã có căn cứ về hành vi vi phạm để khởi kiện yêu cầu bồi thường, đòi lại quyền lợi.

 

+ Loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt

 

Ngay cả những cá nhân, không bịa đặt, nhưng lại loan truyền nhưng điều mà họ biết rõ là bịa đặt như đăng tin nhiều nơi, kể cho nhiều người nghe,… cũng bị coi là đã phạm vào tội danh này. Nhưng để chứng minh hành vi trên rất khó vì người loan truyền thông tin đó phải biết rất rõ rằng điều họ loan truyền là bịa đặt. Nếu người loan truyền thông tin còn bán tín bán nghi chưa rõ sự tình thì vẫn chưa thể cấu thành tội này.

 

Về phía người bị hại

 

Là người bị hại trong trường hợp này, bạn phải chứng minh được bạn đã bị xúc phạm danh dự, hoặc cũng có thể là cả thiệt hại về tài sản hoặc thiệt hại khác về tinh thần hay sức khỏe,... Những thiệt hại này có thể đã xảy ra hoặc cũng có thể chưa xảy ra, nhưng phải là kết quả dẫn đền từ hành vi nói xấu, vu khống bạn.

 

Về băng ghi âm làm chứng cứ

 

Điều 86. Chứng cứ

 

Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

 

Điều 87. Nguồn chứng cứ

 

1. Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn:

 

a) Vật chứng;

 

b) Lời khai, lời trình bày;

 

c) Dữ liệu điện tử;

 

d) Kết luận giám định, định giá tài sản;

 

đ) Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;

 

e) Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác;

 

g) Các tài liệu, đồ vật khác.

 

2. Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.

 

Theo quy định pháp luật, cuộn băng ghi âm của bạn chưa chắc đã được chấp nhận làm chứng cứ. Để có chững cứ và lập luận vững chắc, bạn cần thuyết phục chính người cung cấp thông tin cho bạn ra làm chứng, lấy lời khai có như vậy thì bạn hãy tính đền việc khởi kiện. Và lời khai phải chân thực, liên quan một cách rõ ràng đến cá nhân bạn đang có yêu cầu truy tố.

 

Về thủ tục tiến hành, tội danh vu khống quy định tại khoản 1 Điều 155 là loại tội mà chính người bị hại (là bạn) có thể yêu cầu khởi tố vụ án. Căn cứ Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự:

 

“Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

 

1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

...”.

 

Do đó, bạn chỉ cần ra cơ quan công an nơi gần nhất trình bày lại vụ việc. Bạn sẽ được hướng dẫn thông báo thủ tục thực hiện.

 

Trân trọng!

Phòng luật sư tư vấn - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo