Nông Bá Khu

Tư vấn về quyền nuôi con và phân chia tài sản khi ly hôn

Chị gái tôi sinh năm 1990 mới kết hôn năm 2014, năm nay sinh được 1 bé trai, cháu mới được 2 tháng tuổi. Do mâu thuẫn giữa 2 bên nên thời gian từ khi bé được 1 tháng tuổi tới nay bé chưa được gia đình chồng thăm hỏi và bố của bé đòi nuôi bé nếu như li dị (mẹ bé không đồng ý nhường quyền nuôi con).

Câu hỏi tư vấn: Thưa luật sư! Tôi tên: Thuy Dung, tôi sinh năm 1993. Tôi hỏi về vấn đề li hôn và quyền nuôi con, tài sản( nếu có)...Chị gái tôi sinh năm 1990 mới kết hôn năm 2014,  năm nay sinh được 1 bé trai, cháu mới được 2 tháng tuổi. Do mâu thuẫn giữa 2 bên nên thời gian từ khi bé được 1 tháng tuổi tới nay bé chưa được gia đình chồng thăm hỏi và bố của bé đòi nuôi bé nếu như li dị (mẹ bé không đồng ý nhường quyền nuôi con). Vợ chồng có xây được 1 căn nhà nhỏ ở trên đất bố mẹ chồng cho, 2 vợ chồng có dựng được 500 nọc tiêu , 200 bên nhà vợ và 300 trăm bên nhà chồng. Vậy thưa luật sư: nếu bố bé giành quyền nuôi con trong trường hợp bé còn nhỏ (2 tháng tuổi) có được không thưa luật sư? Tài sản 2 bên được chia như thế nào? Khi li dị cần những gì? Bố bé có trách nhiệm gì nếu cả 2 li dị? Kính mong luật sư giúp đỡ cho lời khuyên về trường hợp này.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia chúng tôi, chúng tôi xin giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Thứ nhất, Quyền nuôi con:

Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

 2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

 3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Như vậy, nếu như anh chị bạn ly hôn mà không thỏa thuận được với nhau thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Hiện tại, cháu bé chỉ 2 tháng tuổi nên quyền nuôi con sẽ được ưu tiên dành cho người mẹ nếu như người mẹ có đủ đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Thứ hai, phân chia tài sản khi ly hôn:

Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng - Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

"1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

 Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng."

Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn được quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình, như sau:

“1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

…”

Việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết. Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó. Về nguyên tắc tài sản chung vợ chồng sẽ được chia đôi và có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên.

Về căn nhà 2 vợ chồng anh chị xây dựng được trên phần đất mà bố mẹ chồng cho. Nếu phần đất này được xác định là bố mẹ chồng tặng cho anh chị của bạn trong thời kỳ hôn nhân thì có thể xác định đây là tài sản chung của vợ chồng. Số 500 nọc tiêu 2 vợ chồng dựng được trong đó có 200 bên nhà vợ và 300 trăm bên nhà chồng cũng được xác định là tài sản chung của vợ chồng nếu như không có thỏa thuận nào về việc số nọc tiêu nhà vợ hay bên nhà chồng chỉ để tặng cho 1 trong hai người. Giả sử, bên nhà vợ có nói rằng số 200 nọc tiêu đó là chỉ để cho chị gái bạn và chị gái bạn có bằng chứng chứng minh việc này thì số nọc tiêu đó sẽ là tài sản riêng của chị gái bạn.

Thứ ba, Thủ tục ly hôn:

Theo Điều 85 Luật hôn nhân và gia đình quy định về quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn, cụ thể là:

"1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn.

 2. Trong trường hợp vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn".

Như vậy, pháp luật có quy định vợ, chồng hay cả hai vợ chồng đều có quyền yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn. Chị gái bạn có quyền đơn phương ly hôn mà không cần sự đồng ý của từ người chồng. Tuy nhiên, do cháu bé chỉ mới được 2 tháng tuổi nên chồng chị gái bạn không quyền yêu cầu xin ly hôn.

Do bạn không đề cập đến việc chị gái bạn sẽ đơn phương ly hôn hay thuận tình ly hôn, nên tôi sẽ tư vấn cả hai thủ tục đơn phương ly hôn và thủ tục thuận tình ly hôn, dưới đây:

- Thủ tục đơn phương ly hôn:

+ Hồ sơ bao gồm:

1. Đơn xin ly hôn theo mẫu.

 2. Bản sao sổ hộ khẩu.

 3. Bản sao chứng minh nhân dân.

 4. Những chứng từ chứng minh tài sản chung của vợ chồng (nếu có tài sản chung cần chia).

 5. Bản sao giấy khai sinh của con bạn.

 6. Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính).

Lưu ý: các bản sao giấy tờ trên cần công chứng, chứng thực theo quy định pháp luật.

+ Nơi nộp hồ sơ: tại Toà án nhân dân quận/huyện nơi bị đơn có hộ khẩu thuờng trú, hoặc cư trú.

- Thủ tục thuận tình ly hôn:

+ Hồ sơ bao gồm:

1. Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn;

 2. Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);

 3. Chứng minh nhân dân của vợ và chồng (bản sao có chứng thực);

 4. Giấy khai sinh của các con (bản sao có chứng thực);

 5. Sổ hộ khẩu gia đình (bản sao có chứng thực);

 6. Những chứng từ chứng minh tài sản chung của vợ chồng (nếu có tài sản chung cần chia).

+ Nơi nộp hồ sơ: Tòa án nhân dân quận, huyện nơi cư trú, làm việc của một trong hai bên.

Sau khi ly hôn, “cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.” (Khoản 1 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).

Điều 116 - Luật Hôn nhân và gia đình có quy định về mức cấp dưỡng như sau: "Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng... Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết”.

Theo đó, sau khi ly hôn người không trực tiếp nuôi con phải cấp dưỡng nuôi con đến khi thành niên (18 tuổi); nếu con thành niên mà không tự nuôi sống được bản thân do bị tàn tật hoặc không có năng lực hành vi dân sự thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải có trách nhiệm cấp dưỡng không thời hạn.

Về phương thức cấp dưỡng và mức cấp dưỡng do các bên thoả thuận định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì Toà án quyết định phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về quyền nuôi con và phân chia tài sản khi ly hôn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV. Hứa Thị Nhàn – CÔNG TY LUẬT MINH GIA

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169