Mạc Thu Trang

Tư vấn về quyền nuôi con ngoài dã thú

Chồng mình có chung sống như vợ chồng với người phụ nữ khác trước khi kết hôn với mình và có một con chung 4 tháng tuổi ,mẹ và bà của đứa bé không cho chồng mình gặp gỡ và cấp dưỡng cho bé và thường xuyên gọi điện quấy rối gia đình mình.Xin hỏi luật sư làm thế nào để chồng mình giành quyền nuôi đứa trẻ ,và việc mẹ đứa trẻ gọi điện quấy rối gia đình mình có vi phạm pháp luật hay không

Nội dung yêu cầu tư vấn:Chào Luật Sư! Em và chồng em mới kết hôn với nhau được 5 tháng, trước khi quen và kết hôn với em thì chồng em có sống với một người phụ nữ khác(người phụ nữ đó đang trong tình trạng ly thân và có một đứa con riêng), chồng em với người phụ nữ đó sống chung với nhau như vợ chồng nhưng người phụ nữ đó không chịu đăng ký kết hôn với chồng em và có một đứa con trai năm nay cũng được 4 tuổi nhưng con trai không được mang họ của chồng em mà bé mang họ của một người chồng trước của mẹ bé vì 2 người không đăng ký kết hôn, vì bà ngoại và mẹ bé muốn giành quyền nuôi con. Hiện tại chồng em và người phụ nữ đó đã chia tay nhau cũng hơn 3 năm trong thời gian đó chồng em vẫn thăm nom và chu cấp cho bé nhưng ngoại và mẹ bé luôn phủ nhận có nhiều lúc không cho chồng em thăm bé và còn nói chuyện nặng lời với chồng em. Đến khi kết hôn với em thì tình trạng này còn tệ hơn bà ngoại và mẹ bé không cho chồng em thăm con mà họ còn chửi rất nặng lời, họ luôn lấy bé ra làm lý do để phá vỡ cuộc sống của vợ chồng em. Hiện tại thì cuộc sống của vợ chồng em đã ổn định và muốn giành lại quyền nuôi bé vì lúc trước đã thương lượng quyền nuôi bé nhưng bà ngoại và mẹ bé không chấp nhận, nay em mong luật sư tư vấn giúp em phải làm gì thì vợ chồng em giành lại quyền nuôi con một cách hợp pháp vì giờ đưa ra pháp luật thì chồng em không có gì để chứng minh là cha đứa bé hết. Luật sư cho em hỏi thêm là ngoại và mẹ bé luôn gọi điện thoại quấy phá gia đình em vậy thì họ có phạm luật không? Mong luật sư giải đáp giúp em. Em chân thành cảm ơn.Chúc luật sư nhiều sức khỏe.

 

Trả Lời:Đối với yêu cầu của bạn công ty xin tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về vấn đề giành quyền nuôi con

 

Trong trường hợp này chồng bạn có thể giành quyền nuôi con thông qua hai thủ tục

 

Một là, xác định cha mẹ con được quy định tại Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình 20L14 :

 

"1. Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình.

 

2. Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình."

 

Thẩm quyền xác định cha mẹ con:

 

Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

 

“1. Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp.

 

2. Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này.

 

Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”

 

Như vậy trong trường hợp này để xác định quan hệ cha con chồng bạn cần nộp đơn yêu cầu xác định cha con tới tòa án nhân dân cấp huyện nơi mẹ cháu bé cứ trú hoặc làm việc theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 và Điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.Để chứng minh chồng bạn là cha của đứa trẻ,chồng bạn có thể đề nghị tòa án trưng cầu giám định AND.

 

Hai là, đưa ra yêu cầu tòa án xem xét  về việc trực tiếp nuôi con theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

 

“2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.”

 

Để giành được quyền nuôi con chồng bạn cần chứng minh bản thân có khả năng nuôi dưỡng chăm sóc đứa trẻ tốt nhất cả về điều kiện vật chất lẫn tinh thần như :Cung cấp bản sao thống kê thu nhập cá nhân;đưa ra các chứng cứ chứng minh bạn và vợ bạn sẽ giành thời gian chăm sóc đứa trẻ để bé được học tập và phát triển một cách tốt nhất

 

Thứ hai, việc gia đình bạn bị gọi điện quấy rối

 

Về việc bị gọi điện quấy rối thì bạn có thể gửi đến cơ quan công an để yêu cầu ngăn chặn hành vi quấy rối này. Đồng thời, bạn có thể báo (trực tiếp hoặc gián tiếp qua điện thoại, bằng văn bản hoặc thư điện tử) cho doanh nghiệp viễn thông mà mình là khách hàng (thuê bao) hoặc gửi đơn khiếu nại cho Sở Thông tin và truyền thông địa phương để yêu cầu giải quyết. Theo đó, doanh nghiệp viễn thông khi nhận được khiếu nại, tố cáo của khách hàng về việc quấy rối qua điện thoại sẽ theo dõi, kiểm tra, xác minh và yêu cầu chủ thuê bao ngừng ngay việc quấy rối.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
Luật gia / CV tư vấn: Nguyễn Dịu - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo