Trần Phương Hà

Tư vấn về phân chia di sản thừa kế là tài sản chung của vợ chồng.

Kính gửi: Công ty luật Minh Gia. Đoàn luật sư HN: Tôi xin trình bày một việc như sau và nhờ anh chị trong Công ty giúp về quyền thừa kế đất đai do Bố mẹ để lại như sau: Bố mẹ tôi có 500 m2 đất, trên đó có một ngôi nhà xây dựng cách đây 90 năm. Sau khi Bố tôi mất (trên 10 năm) hiện nay còn mẹ già trên 80 tuổi, chúng tôi có 5 anh em, một em trai được bố mẹ làm nhà cho ở riêng khi bố tôi còn sống, tôi là trai trưởng và một em trai út, còn 2 em gái đi lấy chồng.

 

Mẹ tôi còn minh mẫn, khi bố tôi còn sống có nói là chia cho con trai út theo ranh giới của vật kiến trúc có diện tích nhỏ hơn. Hiện nay những người còn sống cũng chứng kiến được lời nói của bố tôi và  Bố tôi có nói với tôi như vậy. Nhưng sau khi thực hiện thì em trai út nói là phải chia nhiều hơn trong khi tôi là con trưởng phải lo việc thờ cúng tổ tiên. Đến nay thừa kế như thế nào để đúng theo đạo đức và pháp luật? Tôi mong muốn Công ty tư vấn giúp để anh em gia đình yên tâm, và đoàn kết. Tôi xin chân thành cám ơn!

 

Trả lời: 

 

Chào anh, Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, về vấn đề của bạn chúng tôi xin được giải đáp như sau:

 

Theo quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:

 

Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

 

Vậy mảnh đất 500m2 của bố mẹ bạn trên được xác định là tài sản chung của vợ chồng.

 

Theo quy định của pháp luật thì ½ mảnh đất trên sẽ là thuộc về mẹ anh, và ½ mảnh đất còn lại sẽ trở thành di sản thừa kế của bố anh. Trong trường hợp này, di nguyện của bố anh thể hiện rằng sẽ cho người con trai út phần diện tích theo kiến chúc sẽ không được coi là di chúc hợp pháp. Do đó, trường hợp này được xác định là chia di sản thừa kế theo pháp luật.

 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết như sau:

 

Điều 66. Giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết

...

1. Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế”.

 

Di sản thừa kế của bố anh sẽ được chia theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ Luật Dân Sự 2015 như sau:

 

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

 

Vậy khi bố anh mất mà không có di chúc thì những người sau sẽ được hưởng phần di sản của bố anh để lại: Vợ, và 5 người con của ông. Di sản thừa kế sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất như nhau. Tức là pháp luật công bằng quyền hưởng di sản thừa kế của những người cùng hàng thứ nhất. Việc anh là con trai trưởng có trách nhiệm thờ cúng không phải cơ sở để anh được hưởng phần di sản nhiều hơn. 

 

Trước tiên việc phân chia di sản các bên có thể thỏa thuận phân chia với nhau trước và thỏa thuận đó phải được lập bằng văn bản có công chứng. Nếu không thỏa thuận với nhau được thì anh có thể khởi kiện đến TAND để thực hiện phân chia di sản. Tuy nhiên theo quy định của BLDS 2015 thì “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế” và “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”. Vậy nên anh có thể gửi đơn đến tòa án để yêu cầu chia thừa kế với phần di sản bố anh để lại.

 

Để giải quyết  vụ việc theo hướng tốt nhất, trước tiên các đồng thừa kế của bố anh thỏa thuận về việc chia di sản với nhau bằng văn bản và có công chứng, hoặc mẹ anh sẽ trực tiếp ủy quyền cho 1 trong các thành viên trong gia đình thực hiện việc yêu cầu chia di tài sản chung của vợ chồng, sau đó yêu cầu chia di sản thừa kế của bố anh để lại cho các đồng thừa kế, rồi sau này mẹ anh có thể viết lại di chúc để chia phần đất của mình cho các con.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về phân chia di sản thừa kế là tài sản chung của vợ chồng. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư Tư vấn pháp luật Dân sự trực tuyến - Số điện thoại: 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV. Lý Quỳnh Giang - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn