Cao Thị Hiền

Tư vấn về hôn nhân trái pháp luật

Xin chào công ty luật Minh Gia! Tôi có trường hợp này mong muốn được quan tâm và tư vấn cho tôi về việc quan hệ hôn nhân trái pháp luật như sau:

Trong thời gian làm ăn xa, chồng hiện tại của tôi có quen biết và quan hệ với bà A. Và có 1 đứa con chung sau đó chồng tôi vẫn thường xuyên chu cấp cho người đó hiện nay đứa con đã 17t. Năm 200x chồng tôi có về và xây 1 căn nhà trong đó tên thẻ đỏ và giấy tờ nhà đất hoàn toàn là tên của chồng tôi. Giữa chồng tôi và bà A ko có giấy đăng ký kết hôn ( chỉ là mối quan hệ qua đường, vì sau này chồng tôi biết bà đang có giấy kết hôn với ng đàn ông khác). Chồng tôi có mua cho bà B 1 căn nhà nhưng hiện nay bà đã bán k có sự đồng ý của chồng tôi. Tiếp sau đó bà kiện lên toà án với lý do là bắt chia ngôi nhà tại VN. Mà bà lại ko chứng minh đc tài sản đó là của bà. Bởi vì bà ko hề biết chồng tôi làm nhà lúc nào. Tôi và chồng tôi đã có giấy kết hôn tại phường.

Vậy cho tôi hỏi chồng tôi có vi phạm pháp luật khi có con với người đang còn giấy kết hôn không (trước đó chồng tôi k hề biết điều này) ?và thứ hai chồng tôi có phải chia tài sản là ngôi nhà hiện tại mang tên chồng tôi ở Việt Nam không?

Trước đây bà đã từng nhiều lần đòi tiền với số tiền lớn mà chồng tôi k thể chu cấp cho bà nữa bà lợi dụng có đứa con nên đe doạ tinh thần chồng tôi. Thì chúng tôi nên làm gì? Bbây giờ mục đích của người phụ nữ kia là muốn chia ngôi nhà. Tôi nghe nói bà đang thuê luật sư vậy tôi và chồng có cần phải thu thập giấy tờ gì và có cần thuê luật sư ko?

Trả lời: Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, yêu cầu của bạn tôi xin được tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:

“Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình

1. Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

2. Cấm các hành vi sau đây:

a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;

e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;

g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;

h) Bạo lực gia đình;

i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.

3. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.

4. Danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật đời tư và các quyền riêng tư khác của các bên được tôn trọng, bảo vệ trong quá trình giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình.”

Như vậy, theo quy định trên, pháp luật cấm hành vi người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.

Trong trường hợp của bạn, chồng bạn đã vi phạm vào  điều mà pháp luật cấm theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 nêu trên.

Về câu hỏi: Người phụ nữ kia đòi chia đất ở Việt Nam thì có được chia không?:

Khi có yêu cầu về con và tài sản thì Tòa án sẽ giải quyết như sau:

- Quyền lợi của con được giải quyết như trường hợp cha mẹ ly hôn:

Vợ, chồng bạn tự thoả thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau đối với con. Nếu không thoả thuận được thì Toà án sẽ quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thoả thuận khác.

- Tài sản được giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; tài sản chung được chia theo thoả thuận của các bên; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con.

Do vậy, đối với ngôi nhà ở Việt Nam của chồng bạn, do chồng bạn tự tạo  lập mà người phụ nữ kia không có đóng góp gì trong việc hình thành và xây dựng ngôi nhà đó thì người phụ nữ kia không được quyền yêu cầu chia ngôi nhà đó.

Về những giấy tờ tài liệu chồng bạn cần có khi khởi kiện ra tòa chia tài sản đó là các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản là ngôi nhà của chồng bạn, ngoài ra chồng bạn có thể đưa ra các giấy tờ liên quan khác để chứng minh ngôi nhà thuộc sở hữu của mình.

Trường hợp người phụ nữ kia đòi  chu cấp tiền:

“Điều 110. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con

Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.”

“Điều 118. Chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng

Nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình;

2. Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;

3. Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;

4. Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;

5. Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn;

6. Trường hợp khác theo quy định của luật.”

Như vậy, theo quy định trên, chồng bạn có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với đứa con chung của chồng bạn và người phụ nữ kia cho đến khi đứa con kia đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản sản riêng  để tự nuôi mình.

Pháp luật không quy định cụ thể mức cấp dưỡng là bao nhiêu mà phải căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng, nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng và đương nhiên những chi phí này là chi phí hợp lý. Người mẹ đưa ra những chứng từ, hóa đơn khống để tăng tiền cấp dưỡng nuôi con nếu xét thấy những chi phí đó không hợp lý thì Tòa sẽ không giải quyết. Ngược lại, trong trường hợp này bạn cũng phải đưa ra những căn cứ chứng minh những chi phí đó không có thật hoặc không hợp lý. Hơn nữa nếu việc người mẹ đưa ra những chi phí vô lý hay người con do người mẹ nuôi thường xuyên ốm đau như vậy thì đó cũng là một căn cứ để anh có thể giành quyền nuôi con.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169