Tư vấn về hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác
Câu hỏi: Thưa luật sư, em có vấn đề nhờ luật sư tư vấn dùm em: em và ông chủ nhà có tranh chấp về thời gian đóng tiền nhà. Khi trao đổi thì ông hứa hẹn đủ điều và kêu em đặt cọc vào ngày 15 để ông sửa chữa nhà cho em nuôi chó. Em cũng nói rõ về vấn đề em sẽ xây dựng sửa sang chuồng trại trước khi đặt bút kí. Ổng có hứa với vợ, mẹ và em là khi nào vào ở mới đóng và đồng ý việc sửa chữa để phù hợp nhu cầu kinh doanh. Nhưng trong hợp đồng ổng lại ghi ngày đóng tiền là ngày 20 hàng tháng (ổng giải thích ngày đó sẽ xong và bàn giao cho em). Nhưng sửa chữa đến ngày 8 tháng sau mới xong và dọn vô. Ổng lại thay đổi kêu ngày 25 là đóng tiền. Ổng chỉ hỗ trợ cho 10 ngày với lí do em kéo dài thời gian sửa chữa. Trong thời gian em sửa chữa thì cũng có phần xây dựng của ổng không chỉ riêng em. Trước thời gian em dọn vô một ngày thì cửa nẻo còn chưa có nên em không đồng ý thì ông hù doạ sẽ cắt điện (tất cả thoả thuận chỉ bằng miệng không có trong hợp đồng). Sáng hôm sau em cùng mẹ ra thoả thuận thì có lời qua tiếng lại giữa ổng và mẹ em. Em không hề có bất kì lời nào to tiếng trong cuộc thương lượng. Ổng đuổi mẹ em về sau đó quay lại nắm tóc em đè xuống sàn. Em đứng dậy cởi mắt kiếng và đưa điện thoại cho mẹ rồi quay lại cầm ly thuỷ tinh chọi ổng nhưng không trúng. Vì quá tức giận với hành vi ngang ngược của ổng nên em có lao vào đánh bằng tay không. Thì ông lại cầm ghế sắt nặng trên 5kg đánh trả lại. Kết quả em bị trật khớp vai và chấn thương sọ não. Do vai em đã từng có vết mổ cũ bắt 1 con vít nên bung vít và mẻ mất 1 miếng sụn vai. Phải nhập viện mổ lại định hình và bắt thêm 4 vít mới. Em bị mất lao động trong 6 tháng. Trong thời gian em mổ ổng không hề vô thăm hay hỗ trợ viện phí. Ngược lại khi em xuất viện về ổng còn hù doạ ngược lại em sẽ thưa em ra toà với lí do em cầm ly trọi ổng và vi phạm hợp đồng thuê nhà (trong khi em nằm viện thì vợ em vẫn sang đóng tiền nhà cho ổng). Trong thời gian nằm viện do vợ em không có kinh nghiệm chăm chó nên đã thất thoát 4 bé tổng giá trị là 40 triệu và 23 triệu tiền viện phí. Nhà ổng có camera nhưng ổng chỉ lưu lại đoạn em chọi ly và đánh ổng bằng tay không để làm bằng chứng rằng ông chỉ tự vệ. Vậy thì theo luật sư trong trường hợp này ổng cố ý gây thương tích bằng hung khí nguy hiểm hay chỉ là tự vệ. Nếu ra toà thì em bị xử phạt ra sao và ổng phải bồi thường cho em như thế nào ạ. Còn về chuyện hợp đồng thì em có vi phạm buộc phải dời đi không ạ. Kính mong luật sư giúp đỡ. Em xin cám ơn!
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Với yêu cầu của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Thứ nhất, Cả hai bên đều có những hành vi xâm phạm đến sức khỏe của nhau, khi ông chủ nhà nắm tóc đè bạn xuống sàn thì bạn lại đã cầm ly thủy tinh để đánh lại. Hơn nữa, không dừng lại ở đó, bạn còn lao vào đánh bằng tay không. Sau đó, ông ta có hành động là cầm ghế sắt nặng 5kg để đánh trả lại. Kết quả là khiến bạn bị thương rất nặng. Đây là một chuỗi các hành vi qua lại và liên tục mà cả hai bên thực hiện nhằm gây tổn hại đến sức khỏe của nhau.
Thứ hai, về hành vi gây tổn hại đến sức khỏe của bạn mà ông chủ nhà gây ra.
Do ông chủ nhà có hành vi gây tổn hại đến sức khỏe của bạn nên ông ta có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại điều 134, Bộ luật hình sự 2015:
“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác:
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên;
b) Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;
c) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Phạm tội đối với 02 người trở lên;
e) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
g) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình;
h) Có tổ chức;
i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
k) Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
l) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe do được thuê;
m) Có tính chất côn đồ;
n) Tái phạm nguy hiểm;
o) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm...”
Trong trường hợp tỷ lệ thương tật dưới 11% mà chưa bị xử phạt hành chính, xử lý hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính về hành vi đánh nhau hoặc cố ý xâm phạm tới sức khỏe của người khác theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tư.
Ngoài ra, ông chủ nhà còn phải chịu trách nhiệm về bồi thường thiệt hại theo căn cứ quy định tại khoản 1, điều 584, Bộ luật dân sự 2015:
“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1.Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”
Theo quy định trên, ông chủ nhà phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại căn cứ vào thiệt hại thực tế xảy ra theo quy định tại điều 590, Bộ luật dân sự 2015:
“Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”
Như vậy bạn có quyền yêu cầu ông chủ nhà bồi thường các chi phí cho việc điều trị và hồi phục sức khỏe, khoản thu nhập bị mất khi điều trị, khoản thu nhập thực tế của người chăm sóc bị mất do phải nghỉ việc để chăm sóc bạn, ngoài ra bạn còn có thể yêu cầu người đó bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần với mức là không quá 50 lần mức lương cơ sở.
Phòng Luật sư tư vấn hình sự - Công ty Luật Minh Gia
Trân trọng.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất