Luật sư Việt Dũng

Tư vấn về hành vi cố ý gây thương tích cho người khác

Nội dung tư vấn: Chào quý công ty Luật MInh Gia. Tôi có vấn đề muốn tư vấn như sau: Một cặp vợ chồng đó có làm đám cưới nhưng không đăng ký kết hôn, sống chung 3 năm và sinh được một bé gái, xong 2 năm nay đường ai nấy đi và 2 bên đã làm giấy tay trả tự do cho nhau.

 

 Giờ tôi quen người vợ có chở đi cùng xe khi người chồng thấy và chặn đầu xe tôi đánh tôi, khi 2 bên xô xát tôi dùng dao thái chém đứt nhẹ trên mặt. Ngày hôm sau người chồng đi cùng khoảng 10 người xuống nhà dùng tay và cây đánh lại tôi có nhiều người chứng kiến nhưng tôi không báo công an. 3 tháng sau là ngày 28/3/2017 tôi dùng dao dài khoảng 50cm chém người chồng bị đứt ở tay, sau đó công an phường xuống tôi không ra trình diện và công an đã khám xét nhà và đã giữ hộ khẩu của gia đình tôi 2 ngày không trả. Xin hỏi sự việc nêu trên sẽ bị xử lý thế nào và công an phường làm như vậy có đúng hay không. Tôi xin cảm ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, với vụ việc của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

 

Trước hết, hành vi của cả 2 bên là bạn và người sống chung như vợ chồng với chị mà bạn quen đó đều có lỗi trong trường hợp này. Hành vi dùng dao chém người kia bị đứt ở tay và hành vi anh kia đánh đập bạn có thể cấu thành tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 104 tội cố ý gây thương tích tại Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009:

 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

 

A) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

 

B) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

 

C) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

 

D) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

 

Đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

 

E) Có tổ chức;

 

G) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

 

H) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

 

I) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

 

K) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

 

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

 

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

 

4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

 

Như vậy khi này bạn đã có hành vi gây thương tích cho người khác mà lại dùng hung khí nguy hiểm. Hiện tại phải xem xét kết quả giám định của nạn nhân, mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng vì  dùng hung khí nguy hiểm nên có thể  bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Căn cứ vào tỷ lệ giám định thương tật của nạn nhân mà có khung hình phạt tương ứng.

 

Thứ hai, về thẩm quyền của công an phường khám xét chỗ ở được quy định tại điều 195 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau:

 

1. Khi khám xét chỗ ở thì phải có mặt người đó hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người chứng kiến; trường hợp người đó, người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và hai người chứng kiến.

 

Không được bắt đầu việc khám xét chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

 

2. Khi khám xét nơi làm việc của một người thì phải có mặt người đó, trừ trường hợp không thể trì hoãn nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản. 

 

Việc khám xét nơi làm việc phải có đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Trong trường hợp không có đại diện cơ quan, tổ chức thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và 02 người chứng kiến.

 

3. Khi khám xét địa điểm phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và người chứng kiến.

 

4. Việc khám xét phương tiện phải có mặt chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện và người chứng kiến. Trường hợp chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có hai người chứng kiến.

 

Đồng thời việc tạm giữ tài liệu được quy định tại điều 198 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau:

 

 1. Khi khám xét, Điều tra viên được tạm giữ đồ vật là vật chứng và tài liệu có liên quan trực tiếp đến vụ án. Đối với đồ vật thuộc loại cấm tàng trữ, lưu hành thì phải thu giữ và chuyển ngay cho cơ quan quản lý có thẩm quyền. Trường hợp cần thiết phải niêm phong thì tiến hành trước mặt chủ sở hữu đồ vật, người quản lý đồ vật, người chứng kiến, đại diện gia đình, đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét.

 

2. Việc tạm giữ tài liệu, đồ vật khi tiến hành khám xét được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này. Biên bản tạm giữ được lập thành bốn bản, trong đó một bản giao cho người chủ tài liệu, đồ vật hoặc người quản lý tài liệu, đồ vật, một bản đưa vào hồ sơ vụ án, một bản giao cho Viện kiểm sát cùng cấp và một bản giao cho cơ quan quản lý tài liệu, đồ vật bị tạm giữ.

 

Như vậy, khi công an phường chứng minh được việc khám xét chỗ ở và thu giữ tài liệu liên quan đến vụ án đúng theo quy trình, đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật thì bên bị khám xét bắt buộc phải chấp hành. Còn trong trường hợp bên bị khám xét thấy bên công an phường có những hành động không theo quy định, không đúng thẩm quyền và thu giữ tài liệu không liên quan đến vụ án thì có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời

 

Trân trọng

CV Hà Tuyền- Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo