Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Tư vấn về điều kiện được nuôi con sau khi ly hôn

Hỏi: Tôi tên là H, 28 tuổi ở HN. Tôi đã lấy chồng 5 năm nay, cuộc sống của chúng tôi không hạnh phúc. Gia đình nhà tôi sống ở Hà Nội nhưng không có điều kiện kinh tế như nhà chồng, bố mẹ đẻ tôi lại đã ly hôn. Chính vì vậy nên tôi bị nhà chồng khinh bỉ, chửi bới và gây cho tôi rất nhiều áp lực về tinh thần. Chồng tôi làm việc dưới sự chỉ đạo trong công ty của mẹ tôi, kinh tế trong gia đình bà nắm giữ hoàn toàn.

Vợ chồng tôi không được phép đi làm ngoài mà phải ở trong tầm kiểm soát của bà. Tôi làm kế toán sổ sách còn chồng tôi làm trông coi sản xuất nhưng cả 2 đều không có lương. Chúng tôi đã có 2 con, cháu gái 4 tuổi và cháu trai 2 tuổi. Chồng tôi biết vợ phải chịu áp lực về tâm lý nhưng không an ủi, thậm chí còn nghe mẹ hắt hủi tôi. Tôi lấy chồng, ở một nơi xa lạ, trong 1 ngôi nhà xa lạ cùng những người xa lạ... vậy mà tôi đã được những gì? nhà lầu? xe sang?... Tôi thấy mình như 1 con chim nhốt trong lồng vàng, hàng ngày người chủ đến mắng chửi mà không có quyền giận, không có quyền khóc... Nay tôi cảm thấy không thể chịu được sự khinh bỉ, chửi bới nhục mạ tôi và gia đình tôi nữa. Tôi không chịu được đến chồng mình cũng lạnh lùng với tôi nữa. Tôi muốn ly hôn. Nhưng tôi sợ, tôi chưa có việc làm, gia đình tôi không có điều kiện, bố mẹ tôi mới ly hôn và gia đình nhà chồng không muốn tôi nuôi đứa nào. Nếu tôi ly hôn bây giờ tôi có những bất lợi gì? tôi có được nuôi con không? Quy định pháp luật thế nào?

 

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi, luật Minh Gia xin trả lời như sau:

 

Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền nuôi con khi ly hôn như sau:


"Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn


1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.


Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó."

Trước hết, việc ai nuôi con sẽ theo sự thỏa thuận của vợ chồng bạn. Nếu vợ chồng bạn không thể thỏa thuận được thì sẽ áp dụng theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của pháp luật và trình bày của bạn, khi bạn ly hôn mà muốn được quyền nuôi con thì bạn sẽ có bất lợi về mặt kinh tế vì đây cũng là một yếu tố mà tòa sẽ xem xét giao con cho ai nuôi khi vợ chồng ly hôn. 

Tuy nhiên, vì bạn có một con trai dưới 36 tháng tuổi (con trai 2 tuổi), theo quy định của Luật hôn nhân và gia đinh thì con dưới 36 tháng tuổi sẽ giao cho người mẹ trực tiếp nuôi con.

 

Trên đây là nội dung tư vấn về: Tư vấn về điều kiện được nuôi con sau khi ly hôn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật Hôn nhân gia đình để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo