Tư vấn về chia di sản thừa kế theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015
Nội dung tư vấn: Xin chào luật sư, tôi xin trình bày vấn đề của mình như sau:
Tôi là con của người thứ 9 trong gia đình gồm 11 anh em. Khi ông bà nội tôi mất đi có để lại tài sản là một ngôi nhà. Ông nội tôi không lập di chúc, nhưng bà nội tôi có lập di chúc để lại quyền thừa kế cho người con út. Nay, bố tôi muốn tiến hành phân chia tài sản là ngôi nhà trên, nên tôi muốn xin tư vấn của luật sư như sau:
1) Trong trường hợp ông nội không để lại di chúc nhưng bà nội thì có, vậy người con út trong trường hợp nói trên có được sở hữu hết nguyên tài sản (ngôi nhà) đó hay không? Tôi không rõ là tài sản này được thuộc sở hữu của ông bà tôi hay chỉ riêng ông tôi (hoặc bà tôi) nên mong luật sư tư vấn hết tất cả các trường hợp giúp tôi.
2) Phần tài sản (ngôi nhà) trên ông bà tôi chưa tiến hành xin sổ đỏ nên hiện tại ngôi nhà này chưa có sổ đỏ. Xin hỏi là trong trường hợp ba tôi muốn tiến hành phân chia tài sản thì có cần phải làm sổ đỏ trước rồi mới được tiến hành phân chia hay không?
3) Bố tôi đã có xin tư vấn về trường hợp trên thì được tư vấn là người con út (được thừa hưởng tài sản trong di chúc của bà nội lập ra) có toàn quyền thừa hưởng và sở hữu toàn bộ tài sản nêu trên. Nên khi ba tôi muốn phân chia tài sản thì phải có sự đồng ý của người con út. Tôi xin hỏi là sự tư vấn này là có chính xác hay không?
4) Trong trường hợp bố tôi có quyền thừa kế đối với tài sản do ông bà nội để lại nhưng không muốn tiếp tục thừa kế thì bố tôi có thể chuyển quyền thừa kế lại cho tôi không? Tôi rất mong nhận được sự tư vấn từ luật sư. Lưu ý: Nếu được, mong luật sư giúp tôi trích dẫn và ghi rõ tất cả các quy định trong các bộ luật (có liên quan) đến vấn đề cần tư vấn nêu trên. Cảm ơn và trân trọng.
Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn cho công ty Luật Minh Gia chúng tôi, công ty xin được tư vấn về trường hợp này như sau:
Thứ nhất, về việc con út có được sở hữu hết nguyên tài sản (ngôi nhà)
Đầu tiên cần xác định di sản thừa kế là tài sản chung được hình thành trong thời kỳ hôn nhân hay tài sản riêng của ông/bà nội. Nếu được hình thành trong thời kỳ hôn nhân mà không có xác nhận tài sản riêng thì được xác định là tài sản chung của vợ chồng. Còn nếu không được hình thành trong thời kỳ hôn nhân mà không có xác nhận thỏa thuận tài sản chung thì được xác định là tài sản riêng của ông/bà.
- Trường hợp di sản thừa kế là tài sản chung: Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, nếu ông nội chết đi, tài sản chung sẽ được chia đôi, trong đó ½ tài sản thuộc sở hữu của bà, ½ tài sản thuộc sở hữu của ông là di sản thừa kế và được phân chia theo pháp luật. Di sản của ông sẽ được chia đều cho những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: cụ nội (nếu còn sống tại thời điểm ông nội chết), bà nội, tất cả các con của ông nội bạn. Do vậy, nếu như bà không được nhận chuyển nhượng từ những đồng thừa kế còn lại thì bà không có quyền để lại di chúc đối với toàn bộ mảnh đất này cho con út.
-Trường hợp di sản thừa kế là tài sản riêng của bà: dù bà để lại di chúc cho một mình con út nhưng những thành viên còn lại vẫn được hưởng 2/3 suất thừa kế theo pháp luật không phụ thuộc vào nội dung di chúc, khi thuộc một trong các trường hợp như: Con chưa thành niên của bà nội; cụ ngoại ( nếu còn sống tại thời điểm bà nội mất), Con thành niên mà không có khả năng lao động của bà nội bạn. Nếu không có ai thuộc trường hợp trên thì việc bà nội cho cậu út đứng tên sở hữu toàn bộ ngôi nhà là hợp pháp.
-Trường hợp di sản thừa kế là tài sản riêng của ông nội: Di sản không có di chúc sẽ được chia theo pháp luật. Cụ thể di sản thừa kế (mảnh đất) được chia cho những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: cụ nội (nếu còn sống tại thời điểm ông nội chết), bà nội, tất cả các con của ông nội bạn. Do vậy, bà nội cũng không thể để lại di chúc cho cậu út đứng tên toàn bộ mảnh đất nếu không được sự đồng ý của tất cả các đồng thừa kế.
Thứ hai, Theo thông tin bạn cung cấp, tài sản (nhà) chưa tiến hành xin sổ đỏ nên hiện tại ngôi nhà này chưa có sổ đỏ. Vì thông tin chưa rõ ràng nên chúng tôi chưa thể xác định được mảnh đất cũng là di sản thừa kế hay chỉ mỗi ngôi nhà là di sản thừa kế, do đó có thể xác định hai trường hợp như sau:
- Trường hợp nhà là di sản thừa kế: Gia đình cần tiến hành xin cấp Giấy chứng nhận sở hữu nhà ở rồi tiến hành phân chia di sản như phân tích ở trên.
- Trường hợp nhà, đất là di sản thừa kế: Căn cứ vào Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP, trường hợp người đã mất để lại quyền sử dụng đất mà đất đó không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất nhưng có di sản là nhà ở, vật kiến trúc khác gắn liền với đất đó mà có yêu cầu chia di sản thừa kế, thì được phân biệt như sau:
+ Trường hợp đương sự có văn bản của UBND cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, nhưng chưa kịp cấp Giấy chứng nhận (đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận) thì Toà án giải quyết yêu cầu chia di sản là tài sản gắn liền với đất và quyền sử dụng đất đó.
+ Trường hợp đương sự không có văn bản của UBND cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, nhưng có văn bản của UBND cấp có thẩm quyền cho biết rõ là việc sử dụng đất đó không vi phạm quy hoạch và có thể được xem xét để giao quyền sử dụng đất thì Toà án giải quyết yêu cầu chia di sản là tài sản gắn liền với đất.
+ Trường hợp UBND cấp có thẩm quyền có văn bản cho biết rõ việc sử dụng đất đó là không hợp pháp, di sản là tài sản gắn liền với đất không được phép tồn tại trên đất đó thì Toà án chỉ giải quyết tranh chấp về di sản là tài sản trên đất đó.
Như vậy, cho dù đất vẫn chưa có sổ đỏ, sổ hồng nhưng nếu quyền sử dụng đất được xác định là di sản thì vẫn có thể được chia di sản thừa kế theo quy định.
Thứ ba, như đã phân tích ở trên, trường hợp con út có được có được nhận tài sản (nhà ở) hợp pháp hay không phụ thuộc vào việc xác định ngôi nhà là tài sản chung hay tài sản riêng của ông bà nội.
Ngoài ra cần xác định việc ông nội mất đã hết thời hiệu khởi kiện phân chia di sản thừa kế hay chưa, cụ thể căn cứ theo quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thời hiệu thừa kế. Nếu trong trường hợp ông đã mất cách đây 30 năm và bà là người trực tiếp quản lý di sản thì bà sẽ có toàn quyền sử dụng với phần diện tích đất này và di chúc để lại cho cậu út là hợp pháp. Cho nên, gia đình cần xác định lại thời gian ông mất để làm rõ nội dung di chúc có hợp pháp hay không.
Nếu có căn cứ để xác định con út có toàn quyền thừa hưởng và sở hữu toàn bộ di sản nêu trên thì ngôi nhà trở thành tài sản riêng của con út. Do đó, bố bạn không có quyền phân chia di sản thừa kế này.
Thứ tư, trong phần mà bố bạn có quyền hưởng thừa kế mà không muốn hưởng thì có thể làm thủ tục khai nhận di sản để nhận phần thừa kế của ba sau đó làm thủ tục chuyển nhượng lại giá trị phần đất được nhận thừa kế cho bạn.
Trân trọng !
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất