Nguyễn Văn Cảnh

Tư vấn trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên.

Chào luật sư cho tôi hỏi về điều kiện ly hôn đơn phương như sau: Tôi và vợ tôi lấy nhau từ năm 200x. Tới năm 200x thì sanh một cháu trai. Ở với nhau với gia đình bên nội tới tháng 7/201x thì tôi và vợ có chuyện cự cãi nhau ( vấn đề chủ yếu là tiền bạc) vợ tôi mới ẵm con về bên ngoại. Sau đó khoảng tháng 9/201x thì vợ tôi gọi điện báo cho tôi biết là hiện giờ đang ở Mã Lai và đã gửi con lại cho bà ngoại nuôi.

Sau đó tôi có qua bà ngoại xin phép được đưa con về nuôi nhưng bà ngoại không cho, nói mẹ nó gửi ông bà trước khi đi nên cháu phải ở với ông bà đến tháng 4/201x. Trong thời gian đó tôi phải nhờ đến Hội Phụ Nữ phường can thiệp và đến tháng 6/201x thì cháu về ở với tôi. Trong thời gian đó tới giờ tôi và vợ tôi không có liên lạc gì hết. Nay con trai tôi đã vào lớp 1. Hai cha con rất thương yêu nhau tôi vẫn không có bạn gái mới và vợ mới. Tôi nghề nghiệp ổn định những lúc thời gian rảnh tôi đều dành cho con tôi. Tôi không rượu chè cờ bạc. Nói chung tôi đủ điều kiện cho cháu học hành và có thời gian để dạy bảo cháu. Nhưng kính mong Luật Minh Gia cho tôi hỏi thăm lỡ nay mai vợ tôi về đòi quyền nuôi con thì con tôi phải theo ai. Còn tôi bây giờ có thể làm đơn ly hôn đơn phương được không? Tôi xin chân thành cảm ơn Luật Minh Gia  rất nhiều!

 

Trả lời tư vấn: Luật Minh Gia cảm ơn câu hỏi và đề nghị tư vấn của bạn. Trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Về vấn đề ly hôn:

Khoản 1 điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng đều có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
 
Trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên, khoản 1, điều 56 quy định:
 
 Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Như vậy, căn cứ theo các quy định này bạn có thể yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn.
 
Về vấn đề nuôi con:
 
Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Do đó, trước khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì hai bạn vẫn là vợ chồng hợp pháp. Vì vậy, vấn đề vợ bạn đòi con, không cho con sống cùng bạn là không có cơ sở.

Sau khi ly hôn, việc ai sẽ là người trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sẽ căn cứ theo khoản 2 điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:
 
Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con
 
Như vây, theo quy định này, hai bạn có thể thỏa thuận ai là người trực tiếp nuôi con. Nếu không thỏa thuận được thì Tòa án có thể căn cứ vào quyền lợi tốt nhất của con để xem xét. Khi con bạn đủ 7 tuổi thì cháu sẽ được hỏi nguyện vọng, mong muốn ở với ai.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn