Cao Thị Hiền

Tư vấn trường hợp Ly hôn khi nhà chồng giữ hết giấy tờ?

Kính chào Luật sư! Tôi có đứa cháu gái đang cần giải quyết xin ly hôn xin Luật sư tư vấn một số câu hỏi sau: Cháu tôi cưới được khoảng 3 năm. Hai cháu ở tại nhà vợ. Trong thời gian này có mở một cửa hàng tạp hóa. Vốn từ hai bên gia đình cho mượn. Lúc thì cho mượn, lúc thì cho nên không có giấy tờ gì cả.

1. Bây giờ nếu ly hôn thì số tiền đầu tư cửa hàng tạp hóa sẽ chia như thế nào ạ? Trong thời gian chung sống 2  vợ chồng không hòa hợp, chồng cháu thường bỏ bê công việc, lấy tiền tiêu xài...(Hiện nay 2 cháu đã ly thân, ai về nhà nấy).

2. Về giấy tờ đảm bảo xin ly hôn, bên nhà chồng giữ nên cháu tôi không lấy được. Vậy phải làm như thế nào?

3. Hiện nay cháu tôi đang nuôi con được hơn 1 năm. Nếu ly hôn cháu muốn nuôi con thì có được không?

Xin cảm ơn Luật sư.


Trả lời : Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, yêu cầu của bạn, tôi xin được tư vấn như sau:

1.  Chia tài sản khi li hôn:

Cần phải xác định số tiền mà hai vợ chồng cháu bạn có được là do bố mẹ hai bên tặng cho hay chỉ cho mượn để làm ăn. Nếu là tặng cho thì đó là tặng cho chung cả hai vợ chồng hay chỉ cho riêng một bên vợ hoặc chồng.

Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định tại Điều 59  về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi li hôn như sau:

“ 2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.
Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

6. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này.”

Như vậy, việc chia tài sản khi li hôn sẽ dựa vào khối tài sản đó là tài sản chung hay riêng của hai vợ chồng.

2. Đơn phương li hôn khi bị giữ giấy tờ:

Như thông tin bạn cung cấp, cháu gái bạn muốn đơn phương li hôn. Về thủ tục và hồ sơ chung, chúng tôi đã có bài viết cụ thể và chi tiết,  bạn có thể tham khảo tại bài viết sau đây: >> Thủ tục đơn phương ly hôn

 

Trong trường hợp của cháu bạn, hiện các giấy tờ về hôn thú đã bị chồng giữ hết. Vì vậy, cháu bạn cần đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương đã cấp những giấy tờ yêu cầu phải có trong hồ sơ xin ly hôn để yêu cầu cấp bản sao hoặc trích lục hồ sơ. Cụ thể như sau:

+ Về hộ khẩu và chứng minh nhân dân: Liên hệ với công an cấp xã ( phường ) nơi cháu gái bạn thường trú nhờ họ xác nhận là nhân khẩu thường trú tại địa phương. Việc xác nhận này cháu bạn có thể làm một đơn riêng, cũng có thể nhờ xác nhận ngay vào đơn xin ly hôn.

+ Về hôn thú: Liên hệ với cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn nơi cháu gái bạn đăng ký kết hôn trước đây để xin cấp bản sao.

+ Về khai sinh: Liên hệ với cơ quan có thẩm quyền nơi cháu bạn đăng ký khai sinh cho con trước đây để xin cấp bản sao.

Khi liên hệ với các cơ quan chức năng để làm các giấy tờ nói trên,cháu gái bạn có thể nói rõ về chuyện người chồng đã cầm hết giấy tờ và cháu gái bạn muốn ly hôn nhưng người chồng không đồng ý cho các cơ quan chức năng, kể cả tòa án biết để các cơ quan này giúp đỡ. Khi nộp đơn cho tòa án, nếu vẫn thiếu giấy tờ nào đó mà cháu bạn không thể bổ sung được thì cháu gái bạn vẫn yêu cầu tòa nhận đơn, trong quá trình thụ lý và giải quyết tòa án sẽ yêu cầu người chồng bổ sung sau.

3. Nuôi con dưới 36 tháng tuổi:

Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có quy định :

“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn:

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Như vậy, pháp luật đã giành quyền ưu tiên nuôi con dưới 36 tháng tuổi cho người mẹ. Trong trường hợp của bạn,  con của cháu gái bạn mới được hơn  12 tháng tuổi, do đó, cháu bạn hoàn toàn có quyền được nuôi con mà người chồng không thể ngăn cản, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận về việc nuôi con hoặc người mẹ không có đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, nuô dưỡng và giáo dục đứa trẻ.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo