Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn trường hợp làm giả con dấu chứng từ

Thưa Luật sư, Anh trai em là giám đốc chi nhánh của 1 công ty, có ý định làm con dấu và tờ hợp đồng riêng (theo mẫu của công ty, thay đổi bên giao kết hợp đồng thành Giám đốc chi nhánh mang tên anh, số điện thoại liên hệ trực tiếp là với anh thay vì là giám đốc công ty, tất cả là tự làm chứ không phải công ty cấp và không qua xin phép giám đốc), để kinh doanh mặt hàng của công ty. Vậy có bị coi là làm giả con dấu chứng từ gì không ạ?

 

Trả lời:

 

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Gia. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Thứ nhất, về con dấu của chi nhánh:

Theo khoản 1 điều 45 Luật doanh nghiệp 2014:

"1. Chi nhánh, là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp."

Căn cứ vào  Nghị định số 14/VBHN-BCA về quản lý sử dụng con dấu.

Điều 4. Các cơ quan, tổ chức dưới đây được sử dụng con dấu không có hình Quốc huy:

[...]6. Các tổ chức kinh tế được quy định theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Luật Khuyến khích đầu tư trong nước; Luật Hợp tác xã và các tổ chức kinh tế khác theo quy định của pháp luật; các đơn vị trực thuộc, Chi nhánh, Văn phòng đại diện của các tổ chức kinh tế này; [...]

Theo đó, Chi nhánh doanh nghiệp của anh trai bạn được phép sử dụng con dấu riêng không mang hình Quốc huy để thuận lợi cho việc thực hiện các giao dịch.

Theo khoản 4 điều 10 Nghị định số 14/VBHN-BCA thủ tục, hồ sơ xin làm con dấu thực hiện như sau:

"4. Các tổ chức kinh tế được thành lập theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư không phải cấp giấy phép làm con dấu, nhưng phải đăng ký mẫu dấu tại cơ quan Công an trước khi sử dụng."

Theo điều 34 Nghị định 78/2015/NĐ-CP về thông báo sử dụng, thay đổi, hủy mẫu con dấu:

"1. Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, nội dung và số lượng con dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện. Doanh nghiệp có thể có nhiều con dấu với hình thức và nội dung như nhau.

2. Trước khi sử dụng, thay đổi, hủy mẫu con dấu, thay đổi số lượng con dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện đặt trụ sở để đăng tải thông báo về mẫu con dấu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Nội dung thông báo bao gồm:

a) Tên, mã số, địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp hoặc chi nhánh hoặc văn phòng đại diện;

b) Số lượng con dấu, mẫu con dấu, thời điểm có hiệu lực của mẫu con dấu.

3. Khi nhận thông báo mẫu con dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận cho doanh nghiệp, thực hiện đăng tải mẫu con dấu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

4. Phòng Đăng ký kinh doanh không chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác, hợp pháp, phù hợp thuần phong mỹ tục, văn hóa, khả năng gây nhầm lẫn của mẫu con dấu và tranh chấp phát sinh do việc quản lý và sử dụng con dấu.

5. Trường hợp doanh nghiệp đã được cấp thông báo về việc đăng tải thông tin về mẫu con dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện mới thì thông báo về việc đăng tải thông tin về mẫu con dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện của các lần trước đó không còn hiệu lực."

Như vậy, việc quy định con dấu của chi nhánh là do doanh nghiệp đăng ký, giám đốc chi nhánh không có quyền tự đăng ký con dấu.

Thứ hai, về việc thay đổi bên giao kết hợp đồng:

Theo như quy định tại khoản 1 điều 45 Luật doanh nghiệp 2014 thì chi nhánh chỉ là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có chức năng đại diện theo ủy quyền. Cho nên Giám đốc chi nhánh chỉ có thể có quyền ký hợp đồng nhân danh chi nhánh hoặc công ty phụ thuộc theo ủy quyền của công ty.

Việc anh trai bạn có ý định tự ý làm hợp đồng riêng, thay đổi bên giao kết hợp đồng thành Giám đốc chi nhánh mang tên anh bạn, số điện thoại liên hệ trực tiếp là với anh bạn thay vì là giám đốc công ty, nếu thực hiện các hành vi như vậy là hành vi trái pháp luật.

Nếu anh trai bạn có hành vi làm giả con dấu có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 12 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

Ví dụ: Phạt tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng đối với hành vi khắc các loại con dấu mà không có giấy phép khắc dấu hoặc các giấy tờ khác theo quy định (điểm a khoản 1); phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi sản xuất con dấu pháp nhân không đúng thủ tục theo quy định (điểm d khoản 3); phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi khắc dấu giả hoặc sử dụng con dấu giả (điểm d khoản 4). Tùy vào từng  hành vi cụ thể, các đối tượng còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 3 - 6 tháng và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi con dấu. 

Nếu hành vi làm giả con dấu, giả mạo giấy tờ gây nguy hiểm cho xã hội, có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị xử lý hình sự theo các tội danh tương ứng của Bộ luật Hình sự như: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139BLHS). Mức hình phạt thấp nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm và mức cao nhất là tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm; tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức (Điều 267 BLHS). Mức hình phạt thấp nhất là là bị phạt tiền từ 5- 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm và mức cao nhất là đến 7 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng; tội giả mạo trong công tác (Điều 284 BLHS). Mức hình phạt thấp nhất là từ 1 - 5 năm tù và mức cao nhất là 20 năm tù. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 3 - 30 triệu đồng.

Ví dụ: Đối với tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 267 BLHS).

Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc bất kỳ giấy tờ nào khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân.

Khi có đủ 4 yếu tố cấu thành tội này thì anh trai bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

Khách thể: tội phạm này xâm phạm trật tự quản lý hành chính Nhà nước, tổ chức và xâm phạm sự hoạt động bình thường, uy tín của cơ quan Nhà nước, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước về con dấu, tài liêu hoặc giấy tờ khác

Đối tượng phạm tội là con dấu, tài liệu giả hoặc giấy tờ giả.

- Mặt khách quan:

Người phạm tội có một trong hai hành vi sau:

+ Làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức: là hành vi của người không có thẩm quyền cấp các giấy tờ đó nhưng đã tạo ra các giấy tờ đó bằng những phương pháp nhất định để coi nó như thật. Việc làm giả này có thể là giả toàn bộ hoặc chỉ từng phần (tiêu đề, chữ ký, con dấu, nội dung…). Hành vi phạm tội này hoàn thành kể từ khi người không có thẩm quyền tạo ra được con dấu, tài liệu, các giấy tờ giả của một cơ quan Nhà nước, tổ chức nhất định (kể cả cơ quan Nhà nước hay tổ chức đó không có thật hoặc đã bị giải thể). Điều luật không yêu cầu việc “làm” giả này phải nhằm sử dụng hoặc đã sử dụng vào mục đích gì.

+ Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân. Đây là trường hợp người phạm tội không có hành vi “làm” giả các đối tượng trên nhưng đã có hành vi “sử dụng” chúng để lừa dối cơ quan Nhà nước, tổ chức hoặc công dân. “Lừa dối” ở đây có nghĩa là người phạm tội sử dụng các đối tượng đó trong giao dịch với cơ quan Nhà nước, tổ chức hoặc công dân khiến cho các đối tác giao dịch tin đó là đối tượng thật.

Hành vi sử dụng con dấu, giấy tờ…trong Điều 267 là sử dụng các con dấu, giấy tờ…được tạo ra từ nguồn gốc không đúng thẩm quyền. Đối với hành vi sử dụng, tội phạm hoàn thành khi người phạm tội có hành vi sử dụng các đối tượng trên để lừa dối cơ quan Nhà nước, tổ chức hoặc công dân, không cần xảy ra hậu quả.

Điều luật chỉ quy định người sử dụng các giấy tờ, tài liệu vào mục đích lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân. Vì vậy, nếu hành vi “lừa dối” đã đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về tội phạm này.

- Mặt chủ quan: là lỗi cố ý trực tiếp. Đối với hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức thì không cần mục đích nhưng hành vi sử dụng chúng thì cần mục đích là để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân.

- Chủ thể: bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định.
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn trường hợp làm giả con dấu chứng từ. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
P.Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo