Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn trường hợp giả mạo chữ ký và cố tình làm sai lệch hồ sơ trong công ty

Kính gửi Luật sư! Công ty tôi đang có một vấn đề như sau xin Luật sư tư vấn: tôi Công ty thành lập năm 2002 với vốn đăng ký là 7,2 tỉ đồng, trong đó các cổ đông sáng lập đăng ký mua 2,1 tỉ. Tuy nhiên, cho đến hiện giờ chỉ mua 1,2 tỉ. Trong quá trình từ năm 2002 đến nay, cty đã phát hành 2 đợt bán cổ phần nhưng không báo cáo lên Sở Kế hoạch đầu tư theo Quy định tại Luật Doanh nghiệp.

 

Từ năm 2012 trở lại đây, công ty có 3 lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và cả 3 lần này Giám đốc và Chủ tịch đã giả mạo chữ ký của tất cả các cổ đông sáng lập để lập các biên bản họp đại hội cổ đông, danh sách cổ đông bị thay đổi hoàn toàn khác so với danh sách thật, họ giải thích rằng danh sách thay đổi vì vốn 7,2 tỉ đăng ký đã bán hết nên phải điều chỉnh danh sách cho phù hợp với vốn. Tuy nhiên việc điều chỉnh vốn và danh sách cổ đông này không hề được các cổ đông hiện hữu thông qua. Họ chưa bao giờ thông báo với các cổ đông. Một số cổ đông sáng lập đã chuyển nhượng vốn nhưng vẫn ghi như cũ trong danh sách, cổ đông nhận chuyển nhượng vốn đã gửi hợp đồng và thanh lý lên công ty vẫn không được ghi nhận trong danh sách. Trước đại hội một ngày, họ mua thêm 15% cổ phần của công ty nhằm nắm phần đa số trong đại hội mà không thông qua Hội đồng quản trị, Ban kiểm sát không hề biết việc này. Trước những thông tin như trên, tôi là cổ đông nhận chuyển nhượng vốn của một số cổ đông sáng lập có quyền như thế nào với những hành vi của họ? Nếu bị kiện họ sẽ đối mặt với Pháp luật như thế nào? Số cổ phần mua thêm trước kỳ đại hội kia cần được xử lý như thế nào? Xin Luật sư tư vấn giúp! Chân thành cảm ơn! 

 

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Gia. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

 

Căn cứ theo quy định Điều 112 Luật Doanh nghiệp 2014 thì:

"Điều 112. Thanh toán cổ phần đã đăng ký mua khi đăng ký doanh nghiệp

1. Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần các cổ đông đã đăng ký mua.

2. Trong thời hạn từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đến ngày cuối cùng phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua quy định tại khoản 1 Điều này, số phiếu biểu quyết của các cổ đông được tính theo số cổ phần phổ thông đã được đăng ký mua, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

3. Nếu sau thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này có cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua, thì thực hiện theo quy định sau đây:

a) Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua sẽ đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác;

b) Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua sẽ có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác;

c) Số cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán;

d) Công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ và thay đổi cổ đông sáng lập trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Cổ đông chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã đăng ký mua đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này. Thành viên Hội đồng quản trị, người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới về các thiệt hại phát sinh do không thực hiện hoặc không thực hiện đúng quy định tại khoản 1 và điểm d khoản 3 Điều này."

 

Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện việc góp đúng hạn và không góp đủ số vốn như đã đăng ký thì bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định Điều 23 Nghị định 155/2013/NĐ -CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư như sau:

" Điều 23. Vi phạm các quy định về thành lập doanh nghiệp

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Tiếp tục hoạt động khi đã kết thúc thời hạn hoạt động ghi trong Điều lệ mà không được gia hạn;

b) Không góp đúng hạn số vốn đã đăng ký.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không góp đủ số vốn như đã đăng ký".

 

Theo thông tin bạn cung cấp là công ty đã phát hành 2 đợt bán cổ phần nhưng không báo cáo lên Sở Kế hoạch đầu tư theo Quy định tại Luật Doanh nghiệp thì hành vi vi phạm này sẽ bị xử lý theo quy định Điều 21 Nghị định 155/2013/NĐ -CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư như sau

" Điều 21. Vi phạm quy định về thời hạn đăng ký thay đi nội dung đăng ký doanh nghiệp

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp không đúng thời hạn quy định.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp sau 10 ngày kể từ ngày có quyết định thay đổi.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc đăng ký thay đổi các nội dung đăng ký doanh nghiệp theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này".

Trường hợp Giám đốc và Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty giả mạo chữ ký, giấy tờ để thực hiện các thủ tục thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.

Trước những hành vi trên của Giám đốc và Chủ tịch Hội đồng quản trị thì cổ đông có quyền khởi kiện theo quy định tại Điều 161 Luật doanh nghiệp 2014 như sau:

"Điều 161. Quyền khởi kiện đối với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng Giám đốc

1. Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 06 tháng có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong các trường hợp sau đây:

a) Vi phạm nghĩa vụ người quản lý công ty theo quy định tại Điều 160 của Luật này;

b) Không thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ được giao; không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời nghị quyết của Hội đồng quản trị;

c) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao trái với quy định của pháp luật, Điều lệ công ty hoặc nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông;

d) Sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ cho lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

đ) Sử dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

e) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

2. Trình tự, thủ tục khởi kiện thực hiện tương ứng theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Chi phí khởi kiện trong trường hợp cổ đông, nhóm cổ đông khởi kiện nhân danh công ty sẽ tính vào chi phí của công ty, trừ trường hợp thành viên khởi kiện bị bác yêu cầu khởi kiện"

 

Theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 114 của Luật doanh nghiệp 2014 về quyền của cổ đông phổ thông thì cổ đông phổ  thông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 của Luật doanh nghiệp. Do vậy, nếu Giám đốc và Chủ tịch Hội đồng quản trị là cổ đông của công ty thì việc họ mua cổ phần từ cổ đông khác là hoàn toàn hợp pháp và không cần Hội đồng quản trị  thông qua.

 

Trân trọng

P. Luật sư Doanh nghiệp - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo