Những lưu ý khi thực hiện mua cổ phần công ty
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Gia. Nội dung câu hỏi của bạn chúng tôi tư vấn cụ thể như sau:
Trường hợp, công ty muốn mua lại cổ phần của cổ đông là doanh nghiệp khác để giảm vốn điều lệ, công ty cần tuân thủ theo Điều 130 Luật doanh nghiệp 2014. Theo đó:
Công ty có quyền mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán, một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi cổ tức đã bán theo quy định sau đây:
1. Hội đồng quản trị có quyền quyết định mua lại không quá 10% tổng số cổ phần của từng loại đã được chào bán trong 12 tháng. Trường hợp khác, việc mua lại cổ phần do Đại hội đồng cổ đông quyết định;
2. Hội đồng quản trị quyết định giá mua lại cổ phần. Đối với cổ phần phổ thông, giá mua lại không được cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua lại, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Đối với cổ phần loại khác, nếu Điều lệ công ty không quy định hoặc công ty và cổ đông có liên quan không có thỏa thuận khác thì giá mua lại không được thấp hơn giá thị trường;
3. Công ty có thể mua lại cổ phần của từng cổ đông tương ứng với tỷ lệ cổ phần của họ trong công ty. Trường hợp này, quyết định mua lại cổ phần của công ty phải được thông báo bằng phương thức bảo đảm đến được tất cả cổ đông trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày quyết định đó được thông qua. Thông báo phải có tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty, tổng số cổ phần và loại cổ phần được mua lại, giá mua lại hoặc nguyên tắc định giá mua lại, thủ tục và thời hạn thanh toán, thủ tục và thời hạn để cổ đông chào bán cổ phần của họ cho công ty.
Cổ đông đồng ý bán lại cổ phần phải gửi chào bán cổ phần của mình bằng phương thức bảo đảm đến được công ty trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo. Chào bán phải có họ, tên, địa chỉ thường trú, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số quyết định thành lập, địa chỉ trụ sở chính của cổ đông là tổ chức; số cổ phần sở hữu và số cổ phần chào bán; phương thức thanh toán; chữ ký của cổ đông hoặc người đại diện theo pháp luật của cổ đông. Công ty chỉ mua lại cổ phần được chào bán trong thời hạn nói trên.
Những điều cần lưu ý:
Về thủ tục chuyển nhượng cổ phần: Các bên mua, bán chuyển nhượng cổ phần cần phải chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ như:
- Giấy chứng nhận cổ phần của người bán;
- Hợp đồng mua bán cổ phần hợp lệ;
- Giấy đề nghị Chuyển nhượng hợp lệ (đối với chuyển nhượng cho công ty/doanh nghiệp);
- Giấy nộp tiền phí Chuyển nhượng và thuế thu nhập cá nhân tạm tính (đối với chuyển nhượng cho công ty/doanh nghiệp);
- Giấy chứng minh nhân dân (CMND)/ hộ chiếu hợp lệ hoặc Giấy đăng ký kinh doanh (của hai bên mua bán chuyển nhượng cổ phần).
Sau khi hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng cổ phần, doanh nghiệp tiến hành thay đổi đăng ký doanh nghiệp để ghi nhận sự thay đổi về tỷ lệ cổ phần và thay đổi về cổ đông (nếu có).
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất