Tư vấn ly hôn: giải quyết quyền nuôi con và chia tài chung của hai vợ chồng.
Câu hỏi tư vấn: Chào văn phòng, cho mình hỏi về vấn đề chia tài sản, chia con khi ly hôn như sau: Vợ chồng tôi kết hôn đến nay mới được 1 Năm 8 tháng, nhưng 2 vợ chồng tôi ko thể hoà hợp được do cách sống của 2 người càng ngày càng khác nhau dẫn đến hay mâu thuẫn. Chúng tôi có 1 đứa con chung được hơn 9 tháng tuổi là bé gái. Mặc dù rất thương con nhưng áp lực cuộc sống gia đình tôi rất mệt mỏi.
Lúc kết hôn của hồi môn gia đình tôi cho tôi là 1cây 6 chỉ vàng và 20tr tiền mặt. Nhà chồng cho 1 cây vàng. Khi cưới về chồng tôi đã mượn hết số tiền trên để làm ăn. Trước khi sinh con, tôi có đi làm và cũng dành dụm được ít tiền nhưng rồi cũng đưa chồng hết để chồng xoay vốn. Sau khi sinh tôi đã nghỉ hẳn ở nhà trông con ko đi làm gì thêm. Từ khi nghỉ thai sản đến nay, chồng coi thường luôn nói tôi ăn ko chẳng làm gì. Anh kinh doanh có tiền nhưng chỉ lo cho bản thân a, ăn chơi đua đòi để cho bằng bạn bằng bè. Khi không có tiền xoay sở làm ăn thì tôi là người chạy đi vay mượn bên dòng họ mình để a có vốn. Nhưng khi a làm ra tiền rồi a lại phũ như tôi ko hề có công sức gì trong công việc kinh doanh của a.( Chồng tôi kinh doanh âm thanh cũ). Chúng tôi ko có tài sản chung, nhưng chỉ có đống hàng ở nhà chồng tôi đang kinh doanh trị giá cũng tầm mấy trăm triệu. Giờ có lẽ tôi ko thể sống bên a ấy được nữa.
Tôi muốn nuôi con. Nếu chúng tôi li dị thì phần tài sản chúng tôi sẽ đc chia như thế nào ? vì a ấy nói tôi ko có đóng góp gì trong việc kinh doanh của anh ấy cả. Trong khi tôi là người xoay đầu vốn để a có tiền nhập hàng. Ngoài ra cho tôi hỏi, chi phí, lệ phí giải quyết ly hôn tại tòa là bao nhiêu, Tôi chân thành cảm ơn!
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:
1. Giải quyết hậu quả của việc ly hôn: nuôi con, chia tài sản.
- Thứ nhất, xác định quyền nuôi con. Căn cứ theo khoản 3 Điều 81 luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho mẹ trực iếp nuôi dưỡng. Con chị hiện nay mới được 9 tháng tuổi về nguyên tắc chị sẽ là người được trực tiếp nuôi dưỡng cháu sau khi ly hôn trừ trường hợp chị không có đủ điều kiện tài chính, vật chất… để trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cháu thì có thể đứa trẻ sẽ được giao cho bố - người có điều kiện nuôi dưỡng cháu hơn hoặc hai bên có thể thỏa thuận để phù hợp với lợi ích của con.
Thứ hai, chia tài sản sau khi ly hôn.
Căn cứ theo Điều 43 quy định về tài sản riêng của vợ, chồng
1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.
- Lúc kết hôn gia đình chị cho chị 1 cây 6 chỉ vàng và 20 triệu tiền mặt và gia đình chồng chị cho 1 cây vàng, nếu số tài sản trên được tặng riêng cho chị thì nó được xác định là tài sản riêng của chị và khi ly hôn nó vẫn thuộc sở hữu riêng của bạn. Tuy nhiên, Tiền và vàng là tài sản không phải đăng kí quyền sở hữu nên chị phải chứng minh được đây là tài sản chị được tặng cho riêng, nếu không có căn cứ chứng minh thì nó được xác định là tài sản chung của hai vợ chồng. Trên thực tế, số tiền vàng là tài sản không đăng kí quyền sở hữu khi đã đem vào kinh doanh, sinh hoạt thì rất khó xác định là tài sản tặng cho. Nếu không xác định được, không có căn cứ chứng minh thì số tiền vàng đó là tài sản chung của vợ chồng, khi ly hôn sẽ được giải quyết, chia tài sản chung.
Còn đối với tài sản chị và chồng chị làm ra trong thời kì hôn nhân thì được xác định là tài sản chung của vợ chồng. Căn cứ theo Điều 33 luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.”
Và căn cứ theo Điều 59 luật hôn nhân gia đình năm 2014 nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn.
1.Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
...
Khi ly hôn anh chị có thể thảo thuận chia tài sản chung, nếu không thỏa thuận được thì nhờ Tòa án giải quyết. Về nguyên tắc tài sản chung của anh chị sẽ được chia đôi nhưng căn cứ đến các yếu tố sau:
- Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
- Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
- Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
- Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
2. Án phí, lệ phí giải quyết yêu cầu ly hôn
Mức án phí dân sự sơ thẩm được quy định cụ thể như sau:
- Nếu không có tranh chấp về tài sản là 300.000 đồng
- Nếu có tranh chấp thì Tòa án căn cứ vào giá trị Tài sản để quyết định án phí:
+ Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động không có giá ngạch: Mức án phí là 300.000 đồng
+ Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình có giá ngạch thì:
- Từ 6.000.000 đồng trở xuống: Mức án phí là 300.000 đồng;
- Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng: Mức án phí là 5% giá trị tài sản có tranh chấp;
- Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng: Mức án phí là 20.000. 000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng;
- Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng: Mức án phí là 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng;
- Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng: Mức án phí là 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng;
- Từ trên 4.000.000.000 đồng: Mức án phí là 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng.
Trên đây là nội dung tư vấn về: Tư vấn ly hôn: giải quyết quyền nuôi con và chia tài chung của hai vợ chồng. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ bạn vui lòng liên hệ qua email hoặc gọi điện để được giải đáp.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất