Tư vấn luật hôn nhân và thừa kế tài sản
Nội dung yêu cầu tư vấn: Thưa luật sư, mong luật sư giải đáp cho tôi 1 số câu hỏi: Khi kết hôn từ năm 1987 đến năm 2000 do chưa có quy định đăng kí kết hôn mà cũng chưa ly hôn cho đến thời điểm hiện tại thì có công nhận là vợ chồng hợp pháp không? Nếu như không hợp pháp thì người vợ có lợi ích gì không? Và trong năm 1996 có sinh 1 đứa con và làm khai sinh nhưng không cần giấy kết hôn. Sau đó chia tay nhưng k ly hôn cho đến hiện tại. Vậy người chồng đăng ký kết hôn với một người vợ khác có được không? Như vậy, con chung của họ sẽ được trợ cấp như thế nào theo quy định của pháp luật? Và bây giờ đứa con có quyền đòi quyền trợ cấp không?
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, với tình huống của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Thứ nhất, về mối quan hệ vợ chồng và tài sản
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 thì: “Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”.
Tại Mục 3 Nghị quyết 35/2000/QH10 ngày 9/6/2000 của Quốc hội hướng dẫn về việc thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình quy định:
a) Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 3/1/1987, ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.
b) Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 3/1/1987 đến ngày 1/1/2001, mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến ngày 1/1/2003; trong thời hạn này mà họ không đăng ký kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Tòa án áp dụng các quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết. Từ sau ngày 1/1/2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng.
...
Theo quy định trên thì bạn cần phải xác định mối quan hệ vợ chồng trong trường hợp bạn hỏi được xác lập trước ngày 03/01/1987 hay sau ngày 03/01/1987.
Nếu quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/1/1987 thì theo quy định của pháp Luật mối quan hệ hôn nhân đó sẽ được công nhận và bảo vệ. Trong trường hợp yêu cầu ly hôn thì sẽ được giải quyết theo Luật Hôn nhân và gia đình.
Ngược lại, nếu mối quan hệ giữa 2 bên được xác lập sau ngày 03/01/1987 mà đến nay vẫn chưa đăng ký kết hôn thì pháp luật sẽ không công nhận là vợ chồng, thủ tục giải quyết yêu cầu ly hôn được quy định tại Điều 87 Luật Hôn nhân và gia đình 2000:
Tòa án thụ lý đơn yêu cầu ly hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật này; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 17 của Luật này.
Khi không tồn tại mối quan hệ vợ chồng thì về tài sản và con cái sẽ được giải quyết theo Khoản 3 Điều 17 Luật Hôn nhân và gia đình:
Điều 17. Hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật
...
3. Tài sản được giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; tài sản chung được chia theo thoả thuận của các bên; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con.
Thứ hai, không có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn có được kết hôn với người khác hay không?
Theo phân tích ở trên thì cần phải xác định quan hệ vợ chồng được xác lập từ thời điểm nào? Để xét xem quan hệ hôn nhân đó có được pháp luật công nhận hay không. Khi không có quan hệ hôn nhân thì một trong hai bên đều có thể kết hôn với người khác theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, về vấn đề con chung và cấp dưỡng
Theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Luật hôn nhân Gia đình năm 2000 thì nhà nước và xã hội không thừa nhận sự phân biệt đối xử giữa các con, giữa con trai và con gái, con đẻ và con nuôi, con trong giá thú và con ngoài giá thú; các đối tượng này được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật.
Khi ly hôn thì đều có thể yêu cầu bên còn lại thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo Điều 50 Luật Hôn nhân và gia đình 2000:
Điều 50. Nghĩa vụ cấp dưỡng
1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con, giữa anh chị em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.
Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng mà trốn tránh nghĩa vụ đó thì buộc phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định tại Luật này.
Khi ly hôn, cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
Mức cấp dưỡng cho con do cha, mẹ thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.
Theo như thông tin bạn cung cấp thì lao động con của bạn sinh năm 1996 thì hiện tại được xác định là người đã thành niên, về nguyên tắc con là người đã thành niên, có khả năng lao động và có tài sản để tự nuôi sống bản thân thì sẽ không đặt ra vấn đề cấp dưỡng ở trong trường hợp này, trừ trường hợp người con này đã thành niên không có khả năng lao động.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất