Tư vấn giành quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi
Trong thời gian vừa qua, cô ta đưa cháu về nhà mẹ đẻ ở cùng ông bà ngoại và tiếp tục đi làm (công ty cô ta làm cách nhà 30 km và cô ta phải đi làm ca ngày, chiều và đêm). Tôi sang thăm con thì cả gia đình nhà ngoại không có ai có ý ngăn cản hay gây trở ngại gì. Và hàng tháng tôi có chu cấp đầy đủ cho con mình theo đúng yêu cầu của cô ta. Hơn 2 tuần nay, con tôi ốm đau nhưng cô ta không một lời thông báo. Chuyện trẻ nhỏ đau ốm cũng là điều bình thường, tôi cũng không có ý kiến gì về chuyện đó. Nhưng thú thật, sang nhìn con ốm con đau, gầy rộc ra, bế cháu trên tay thấy con nhẹ như bấc... là một người bố tôi rất xót xa. Mẹ cháu đi làm, ông bà ngoại ra đồng làm việc nhà nông thì đành đem cháu đi gửi nhà trẻ, tôi xin đón về để tôi và gia đình tôi chăm sóc cháu ít hôm nhưng phía gia đình cô ta cũng như cô ta không đồng ý. Theo tôi tìm hiểu từ bài hỏi đáp về chế độ lao động khi ốm đau và con ốm đau của công ty ta, con tôi ốm đau thì mẹ cháu có quyền xin nghỉ để chăm sóc con mà vẫn được chi trả 75% lương cho những ngày nghỉ này. Tôi kính mong các vị luật sư trong quý công ty tư vấn giúp cho tôi: nếu như cô ta không thèm nghỉ để chăm sóc con tôi khi cháu ốm mà vẫn đi làm, bỏ cháu ở nhà cho ông bà ngoại chăm. Giả dụ là cô ta có nhân tình nên không muốn ở nhà chăm con thì tôi nên làm cách nào để có thể xin đổi quyền nuôi con mình, để tôi được đón cháu về tôi chăm sóc cháu?
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Việc Tòa án giao cho vợ bạn quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi là phù hợp với quy định của pháp luật. Mà theo đó, bạn vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Cũng như trong trường hợp vợ của bạn “không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con” thì bạn hoàn toàn có thể dành quyền nuôi con từ vợ bạn.
Hai bên trước tiên nên cùng nhau thảo luận tìm ra phương hướng giải quyết hợp lý để con của hai bạn có được môi trường phát triển phù hợp nhất. Trong trường hợp không thể đi đến thỏa thuận, bạn cần tìm ra các bằng chứng để chứng minh vợ của bạn không còn đủ điều kiện để có thể trực tiếp nuôi dạy con. Cũng như bạn cần chứng minh bản thân có đầy đủ điều kiện cần thiết để con của bạn có thể phát triển (có chỗ ở ổn định, có việc làm với thu nhập tốt, có thời gian chăm sóc con,...)
Việc con bạn bị ốm đau mà vợ bạn không xin phép nghỉ ở nhà để chăm sóc cũng là một trong những bằng chứng để bạn đưa ra trước Tòa án. Theo Khoản 1 Điều 27 Luật bảo hiểm xã hội 2014:
Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm cho mỗi con được tính theo số ngày chăm sóc con tối đa là 20 ngày làm việc nếu con dưới 03 tuổi; tối đa là 15 ngày làm việc nếu con từ đủ 03 tuổi đến dưới 07 tuổi.
Mức hưởng chế độ này là bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc (Khoản 1 Điều 27 Luật bảo hiểm xã hội).
Trên đây là nội dung tư vấn về: TGiành quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình trực tuyến để được giải đáp.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất