Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn giải quyết tranh chấp quyền nuôi con?

Tư vấn Trường hợp người cha muốn giành quyền nuôi con thì giải quyết thế nào và trường hợp đơn phương ly hôn mà người mẹ muốn giành quyền nuôi con, không muốn nhận cấp dưỡng sau khi ly hôn thì giải quyết như thế nào? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

 1. Tranh chấp quyền nuôi dưỡng con giải quyết theo quy định thế nào?

Câu hỏi: Luật sư tư vấn giúp e với anh trai e và vợ chưa đăng ký kết hôn sống vs nhau có 2 con bé 4 tuổi bé 3 tuổi, hiện tại 2 người đã không sống chung vs nhau lâu rồi, trên giấy tờ con đứng họ mẹ, tiền phụ cấp nuôi con từ lâu giờ toàn do anh trai và gia đình bên nội chu cấp, mẹ các bé và gia đình bên ngoại bỏ bê không chăm sóc các bé, giờ anh trai em muốn đem con về nuôi thì mẹ bé không chấp thuận luật sư tư vấn giúp e làm cách nào để anh trai em có thể nhận con về nuôi.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn luật Hôn nhân gia đình đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Nếu hai người chưa đăng ký kết hôn mà có con chung nhưng chưa làm thủ tục đăng ký nhận cha cho con thì trên giấy khai sinh được xác định là con ngoài giá thú và phần của người bố bỏ trống. Khi đó trên giấy tờ chưa xác định được người anh trai là bố của đứa trẻ. Và nếu hai bên đang có tranh chấp và người anh trai muốn giành quyền nuôi con thì có quyền khởi kiện ra TAND yêu cầu xác định quan hệ cha, con và giải quyết không công nhận quan hệ hôn nhân, giải quyết tranh chấp giành quyền nuôi con.

Nếu anh trai muốn giành quyền nuôi con thì phải chứng minh mình đáp ứng các điều kiện về vật chất và tinh thần tốt hơn so với người vợ. Các căn cứ giành quyền trực tiếp nuôi con anh/chị tham khảo bài viết sau:

>> Tư vấn điều kiện giành quyền nuôi con sau ly hôn

Bạn tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình!

---

Câu hỏi thứ 2: Thưa luật sư, có thể tư vấn giúp tôi về luật li hôn được ko ak. Sự việc là chúng tôi li hôn được 5 tháng rùi và quyền nuôi con đươc thỏa thuận là cô ấy nuôi còn tôi chu cấp . Hiện tại con tôi được 5 tuổi , theo luật tôi muốn giành quyền nuôi con mà không cần thỏa thuận với vợ cũ tôi có được không ak ? Lý do cô ấy không có thời gian dành cho con cái vì tính chất công việc , hiện giờ đang nhờ gửi cho mẹ ruột tức la bà ngoại của bé , còn tôi thì làm mướn nhưng kinh tế ổn định . Đã thỏa thuận nhưng không được , vậy theo ls thì tôi cần làm những gì để dành quyền được vậy . mong luật sư tư vấn giùm. Xin cảm ơn.

Trả lời tư vấn: Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi đã tư vấn một số trường hợp tương tự thông qua một hoặc một số bài viết cụ thể sau đây:

>> Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn

>> Căn cứ và thủ tục yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con

Theo quy định thì việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

+ Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

+ Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

Trường hợp hai anh, chị không tự thỏa thuận được vấn đề thay đổi người trực tiếp nuôi con mà anh đưa ra chứng cứ chứng minh người vợ hiện nay không đủ điều kiện về mặt thời gian trực tiếp chăm sóc con, nuôi dưỡng con và chứng minh được mình có khả năng đáp ứng các điều kiện về vật chất và tinh thần cho con tốt hơn thì có quyền yêu cầu TAND xem xét thay đổi quyền trực tiếp nuôi con.

3. Tranh chấp về quyền nuôi con và không muốn nhận cấp dưỡng sau khi ly hôn

Câu hỏi: Thưa luật sư: Tôi và chồng tôi kết hôn được 12 năm rồi và có 2 cháu sinh năm 2007 và 2011. Trong quá trình hôn nhân chồng tôi đã rất nhiều lần phản bội tôi đi ngủ với gái có, cặp bồ có và tôi cũng đã từng bắt quả tang vàm năm 2014 nhưng vì nghĩ đến con tôi đã tha thứ và vợ chồng sống với nhau đến bây giờ. Trong quá trình sống với nhau chúng tôi đc bố mẹ chồng mua cho 1 căn nhà 4 tầng và viết giấy tặng cho mình chồng tôi.

Từ năm 2006 đến năm 2014 chồng tôi không hề đóng góp tiền cùng tôi nuôi con. Chỉ đến tháng 7 năm 2014 chồng tôi mới đưa lương cho tôi để nuôi con và trả nợ ngân hàng (khoản nợ ngân hàng là do chồng tôi chơi bời cờ bạc vay lãi cao trong tgian dài đến khi vỡ lở thì phải cầm cố nhà vay 300 triệu để trả nợ từ năm 2013. Trong hồ sơ vay vốn tôi cũng phải ký và chịu trách nhiệm trả nợ). Trải qua rất nhiều chuyện như vậy nhưng chồng tôi vẫn không chuyên tâm giúp đỡ tôi chăm nuôi con, vô tâm bỏ mặc mình tôi chăm sóc con cái đi ăn nhậu tối ngày, lại còn lén lút quan hệ với người đàn bà khác. Khi biết tôi đã trả nợ ngân hàng xong chồng tôi đòi lại lương từ tháng 11 năm 2018 và bảo tự lo cho gia đình nhưng chỉ đóng học cho 2 cháu ở trường và tiền điện còn lại tôi phải lo hết. Tôi thực sự không thể duy trì cuộc sống như thế này. 

Tôi muốn ly hôn nhưng vẫn muốn nuôi cả 2 cháu, Và tôi muốn chồng tôi sau khi ly hôn phải có trách nhiệm đóng góp tài chính + căn nhà đang ở đứng tên chồng tôi sẽ để 3 mẹ con tôi sống và sau này sẽ để lại cho 2 cháu. Tôi có công việc ổn định lương tháng trên 6 triệu. Rất mong luật sư tư vấn giúp đỡ.

Trả lời tư vấn:  Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

- Thứ nhất, căn cứ và thủ tục ly hôn.

Theo thông tin cung cấp thì bạn đang muốn giải quyết vấn đề ly hôn nhưng chưa xác định được chồng có muốn ly hôn hay không. Do đó, trường hợp cả hai vợ chồng đều đồng thuận ly hôn thì bạn có làm thủ tục thuận tình ly hôn gửi Tòa án nhân dân huyện nơi một trong hai bên cư trú. Trường hợp, chồng bạn không muốn ly hôn thì bạn có thể giải quyết theo thủ tục đơn phương ly hôn nếu có căn cứ chứng minh mâu thuẫn diễn ra trầm trọng khiến cuộc sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn  nhân không đạt được theo Khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

“1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.”

Khi đó, hồ sơ ly hôn bao gồm:

- Đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết ly hôn (theo mẫu của Tòa án);

- Bản chính giấy đăng kí kết hôn;

- Bản sao chứng thực sổ hộ khẩu;

- Bản sao chứng thực chứng minh thư nhân dân;

- Bản sao giấy khai sinh của con;

- Các giấy tờ khác chứng minh tài sản chung vợ chồng như đăng ký xe, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Hồ sơ đơn phương ly hôn được nộp đến Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi chồng chị có hộ khẩu thường trú theo quy định tại các điều 28, 35, 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

- Thứ hai, quyền trực tiếp nuôi dưỡng con sau ly hôn.

Trong trường hợp này đơn khởi kiện của chị cần phải nêu rõ yêu cầu giành quyền nuôi con; theo đó Tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con theo Khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.”

Theo đó, vì cả hai con bạn đều trên 7 tuổi nên việc xác định bạn có quyền trực tiếp nuôi dưỡng con hay không sẽ phụ thuộc vào ý chí và nguyện vọng của hai con.

- Thứ ba, nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn.

Luật hôn nhân và gia đình quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn. Cụ thể:

Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Điều 116. Mức cấp dưỡng

1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Điều 117. Phương thức cấp dưỡng

Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.

Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Như vậy, trường hợp sau ly hôn mà bạn được Tòa án giao quyền trực tiếp nuôi dưỡng thì có quyền yêu cầu chồng bạn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con đến khi con thành niên, mức cấp do hai bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì sẽ yêu cầu Tòa án giải quyết.

- Thứ tư, về chia tài sản sau ly hôn.

Theo những gì chị đã trình bày có thể xác định căn nhà là tài sản riêng của chồng chị do được tặng cho riêng từ bố mẹ, chồng có toàn quyền trong việc định đoạt, sử dụng đối quyền sử dụng đất trên. Nên theo quy định sau ly hôn thì tài sản trên sẽ đưa ra để thực hiện phân chia. Do đó, nếu chị muốn sở hữu lại căn nhà thì chị phải thỏa thuận với chồng chị; trường hợp chị muốn chồng chị để lại căn nhà đó cho hai con thì chị có thể thỏa thuận với chồng chị về việc yêu cầu chồng chị tiến hành các thủ tục tặng ngôi nhà cho hai con;

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn luật trực tuyến để được giải đáp. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169