Tư vấn đơn phương ly hôn và giành quyền nuôi con
Câu hỏi tư vấn: Chào luật sư! Tôi có một vấn đề muốn hỏi là anh của tôi A hiện có gia đình và một con được 1 tuổi. nhưng trước kết hôn anh A lỡ có con với người phụ nữ khác là B mà người phụ nữ B lúc đó đang có gia đình và hai con riêng, đứa con giữa anh A và chị B trên giấy khai sinh tên cha là anh C chồng chị B. đến khi anh A có gia đình thì lúc đó gia đình chị B không êm ấm đã ly hôn, nên chị B nói đữa con là con anh A. và gia đình của chúng tôi đã đi làm xét nghiệm ADN đúng là con anh A, Giữa anh A và chị B lúc đó đã chấp nhận mỗi tháng anh A chu cấp cho con là 1.000.000đ, việc chu cấp được hơn một năm nhưng bây giờ chị B gọi điện chửi rủa mẹ vợ của anh A, và đòi anh A phải có trách nhiệm nuôi con.Mà Hiện tại anh A đang thất nghiệp được gần một năm nhưng vẫn có trách nhiệm chu cấp đầy đủ. Tất cả mọi việc điều do hai bên bàn bạc với nhau chứ không có sự can thiệp của tòa án, hiện giờ chị B đòi giao con lại cho anh A nuôi. vậy hỏi luật sư anh A hàng tháng vẫn cấp dưỡng mà không nuôi con có được không ? anh A không nhận nuôi con có được không? tuy đã xét nghiệm ADN nhưng trên giấy tờ cha đứa bé vẫn là anh C. Chị B đã gọi diện cho những người thân trong gia đình chửi, rồi gọi điện đến cơ quan làm việc, gia đình giờ không biết phải làm sao. nhờ luật sư tư vấn giùm.
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Do anh A và chị B không kết hôn nên con chung của hai người là con ngoài giá thú. Tuy nhiên, đứa trẻ và anh A có quan hệ huyết thống nên anh A vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng dù đứa bé là con trong thời kỳ hôn nhân hay con ngoài giá thú.
Căn cứ pháp lý là Khoản 24 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, “Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này”.
Theo Điều 107 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng như sau:
1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.
Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật này, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này.
Ngoài ra, Theo Điều 4 Luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em 2004, “Trẻ em, không phân biệt gái, trai, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con riêng, con chung; không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội, chính kiến của cha mẹ hoặc người giám hộ, đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật”
Về phương thức cấp dưỡng, Điều 117 Luật hôn nhân và gia đình quy định như sau: Việc cấp dưỡng có thể thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”
Về mức cấp dưỡng, Điều 116 Luật hôn nhan đình quy định “Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng... Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết”
Như vậy, anh A đã thực hiện nghĩa vụ của mình với con. Mức cấp dưỡng 1.000.000 VNĐ theo tháng do anh A và chị B thỏa thuận với nhau là hợp pháp.
Về việc cấp dưỡng nhưng không nhận nuôi con, hiện nay Điều 69 Khoản 2 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ như sau: “Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”
Đồng thời, Điều 71 Khoản 1 Luật Hôn nhân và Gia đình cũng quy định Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Như vậy, cả anh A và chị B đều có nghĩa vụ nuôi dưỡng con và nghĩa vụ của hai bên trong việc nuôi con ngang nhau.
Do chị B có con với anh A nhưng hai người không đăng ký kết hôn nên khi có tranh chấp về việc nuôi con thì theo quy định tại Điều 14 khoản 1 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì “quyền và nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 Luật này”. Vì thế, khi có tranh chấp về việc nuôi con giữa anh A và chị B thì sẽ được giải quyết tương tự tranh chấp về việc nuôi con trong trường hợp ly hôn theo Luật hôn nhân và gia đình 2014.
Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Điều 81 quy định như sau về việc nuôi dưỡng con sau khi ly hôn:
“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”
Căn cứ như trên, anh A và chị B có thể thỏa thuận với nhau về việc ai nhận nuôi con. Nếu hai bên không thể thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án xác định ai nuôi con. Khi đó, Tòa sẽ quyết định giao con cho một trong hai bên chăm sóc căn cứ vào quyền lợi trực tiếp của con dựa trên tình hình thực tế, khả năng của hai bên. Nhìn chung Tòa sẽ dựa vào các yếu tố sau:
- Điều kiện vật chất: ăn ở, sinh hoạt, điều kiện học tập,… dựa trên thu nhập, tài sản, nơi cư trú của cha mẹ;
- Điều kiện tinh thần: thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, điều kiện cho con vui chơi, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn của cha mẹ,…
- Nếu con của anh A và chị B từ đủ 7 tuổi trở lên, Tòa còn căn cứ vào nguyện vọng của con là muốn được ở với ai.
Do đó, nếu chưa sẵn lòng nhận nuôi con mà chỉ muốn làm tròn nghĩa vụ cấp dưỡng với con, anh A nên chứng minh trước Tòa là anh A không đủ điều kiện nuôi dưỡng con hoặc điều kiện nuôi con không tốt như với chị B.
Trên đây là nội dung tư vấn của công ty Luật Minh Gia về vấn đề giành quyền nuôi con trong trường hợp cha mẹ không đăng ký kết hôn. Trường hợp còn vướng mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email hoặc gọi điện để được tư vấn trực tuyến.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất