Nông Bá Khu

Tư vấn bồi thường thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm

Mức độ sử dụng phương tiện lưu thông trên các tuyến đường ngày càng nhiều, đối tượng sử dụng phương tiện cũng rất đa dạng. Chính vì những yếu tố này mà có rất nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra, trước mắt là gây tổn hại đến bên bị hại sau đó là ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân người lái xe. Trong trường hợp hành khách trên xe tự ý mở cửa mà chưa có sự cho phép của người lái xe thì hành khách sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào, mức bồi thường ra sao ?

Yêu cầu tư vấn:

Xin hỏi luật sư trường hợp bồi thường do sức khỏe bị xâm phạm như sau:

Người nước ngoài là khách ngồi trong xe, mở cửa xe ô tô 4 chỗ làm người bị tai nạn gãy quai hàm. Lúc đó xe ô tô đang dừng dưới lòng đường bên phải, khách du lịch tự mở cửa xe bên trái. Bên bị tai nạn đồng ý chịu bồi thường không kiện tụng. Tôi là hướng dẫn viên của khách thay mặt xin hỏi luật sư: Trường hợp như vậy có phải là vừa khách vừa tài xế phải cùng bồi thường không? Bồi thường theo đúng luật là như thế nào? Tôi xin chân thành cảm ơn.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Điểm b và đ khoản 3, Điều 18, Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 quy định về dừng xe, đỗ xe trên đường bộ cụ thể như sau:
"3. Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây:

...

b) Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình;

...

đ) Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn".

Như vậy, nếu việc đỗ xe của người lái xe ô tô được xác định là hành vi dừng đỗ xe không đúng theo các quy định trên và gây ra tai nạn giao thông thì phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường cho người bị tai nạn theo quy định của pháp luật. Nhưng nếu việc dừng đỗ xe của người lái xe được xác định là không vi phạm pháp luật thì không phải chịu trách nhiệm về tai nạn trên, vì người lái xe trên không có lỗi trong việc gây ra tai nạn. 

Căn cứ thông tin bạn cung cấp, việc người tài xế cho xe dừng dưới lòng đường bên phải là phù hợp với quy định của Luật giao thông đường bộ năm 2008. Việc người khách nước ngoài tự ý mở cửa khi chưa đảm bảo được điều kiện an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông khác, trong trường hợp này lỗi thuộc về người khách nước ngoài.

Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này”

Vì vậy, căn cứ theo quy định trên, người khách nước ngoài có hành vi trực tiếp xâm phạm sức khỏe của người khác nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về người khách nước ngoài cho người bị tai nạn.

Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như sau:

“1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Đồng thời Khoản 2b Điều 32 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về Xử phạt hành khách đi xe vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông như sau:

"Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

b) Đu, bám vào thành xe; đứng, ngồi, nằm trên mui xe, nóc xe, trong khoang chở hành lý; tự ý mở cửa xe hoặc có hành vi khác không bảo đảm an toàn khi xe đang chạy".

Như vậy, căn cứ vào quy định đã trên, người khách nước ngoài sẽ phải bồi thường các chi phí cho người bị tai nạn phù hợp với thiệt hại thực tế xảy ra. Ngoài ra, hành khách nước ngoài sẽ bị xử phạt hành chính từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với hành vi tự ý mở cửa xe theo quy định pháp luật nêu trên. 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Dừng đỗ xe ô tô gây tai nạn xử lý thế nào?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

 
 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169