Trường hợp phá thai theo yêu cầu của gia đình chồng có được bồi thường hay không?
Nội dung tư vấn: Chào Luật Minh Gia, em có thắc mắc khi giải quyết chuyện ly hôn vợ chồng, cách đây khoảng 10 ngày giữa vợ chồng và cha mẹ chồng có mâu thuẫn nho nhỏ, gia đình chồng cứ khăng khăng không chấp nhận em sống chung trong gia đình và đuổi em khỏi gia đình, sau 2 ngày kế tiếp em mệt mỏi đi khám bác sĩ họ nói thai 4 tuần rưỡi mà nhà chồng không ai tin mình có thai con của chồng.
Nên muốn phủi tay từ bỏ trách nhiệm yêu cầu em tự phá bỏ giải quyết cái thai 1 mình và sau đó em khác tự viết đơn ly hôn đơn phương mà em chưa đồng ý ly hôn ạ.
Nếu em phá thai đi và làm đơn ly hôn có yêu cầu gia đình chồng bồi thường tổn thất tinh thần và sức khỏe do phá thai được chấp nhận không.
Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Nếu giữa bạn và chồng bạn có đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì cha mẹ chồng bạn không có quyền đuổi bạn ra khỏi chỗ ở. Hành vi này của cha mẹ chồng bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 57 Nghị định 167/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, an toàn xã hội, phòng chống bạo lực ra đình:
"Điều 57. Hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ.
2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi thường xuyên đe dọa bằng bạo lực để buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ."
Nếu gia đình bạn yêu cầu bạn phá thai thì đây là yêu cầu của một bên và bạn có quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận. Hành vi ép buộc trên không nhằm mục đích cản trở, cưỡng bức việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình; Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức thì không có căn cứ để xử lý về hành vi vi phạm của gia đình nhà chồng. Trong trường hợp này bạn đồng ý phá thai thì trường hợp này sẽ xác định do ý chí của bạn, bạn tự nguyện phá thai nên sẽ không được yêu cầu bồi thường về mặt tinh thần cũng như sức khỏe. Nếu bạn không chấp nhận yêu cầu phá thai, sau khi đứa trẻ ra đời thì vẫn được xác định là con chung giữa bạn và chồng bạn theo Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
“Điều 88. Xác định cha, mẹ
1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.”
Vậy, sau khi sinh con chồng bạn phải có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng đứa bé. Nếu chồng bạn không muốn thừa nhận đứa con thì phải có chứng cứ chứng minh đứa trẻ không phải là con của mình và phải được Tòa án xác định bằng bản án, quyết định của Tòa án. Trường hợp chồng bạn không thực hiện các nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con cái, bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu chồng bạn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo Khoản 5 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự:
"Điều 28. Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
....
5. Tranh chấp về cấp dưỡng.
..."
Và trong trường hợp bạn đang mang thai thì chồng bạn không có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn theo Khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
“Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
....
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”
Nếu bạn và chồng bạn không có đăng ký kết hôn hợp pháp thì không ai có thể ép buộc bạn phá bỏ cái thai như đã nêu trên đây. Và khi đứa trẻ đã được sinh ra thì sẽ không được xác định là con của chồng bạn theo Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 nữa. Trong trường hợp này bạn phải có các bằng chứng để chứng minh đó là con của chồng bạn như: quá trình thụ thai mà 2 người chung sống với nhau, giám định ADN ... Khi đã có các bằng chứng này, bạn có thể khởi kiện ra Tòa án yêu cầu xác định quan hệ cha con giữa chồng bạn và đứa trẻ; đồng thời bạn có thể yêu cầu chồng bạn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng như phân tích trên đây.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất