Trong đơn xin ly hôn có cần xác nhận của địa phương không?
1. Luật sư tư vấn về luật Hôn nhân và gia đình.
Hiện nay, ly hôn không còn là một khái niệm xa lạ đối với mỗi chúng ta. Tuy nhiên, có nhiều người chưa nắm rõ các quy định pháp luật về ly hôn nên họ gặp phải một số khó khăn trong quá trình giải quyết thủ tục ly hôn. Vậy, pháp luật quy định như thế nào về ly hôn? Trình tự, thủ tục như thế nào? Hồ sơ khởi kiện được thực hiện ra sao?
Ly hôn luôn là giải pháp cuối cùng trong đời sống vợ chồng khi các giải pháp khác không còn tác dụng. Vì vậy, bạn nên tham khảo ý kiến luật sư - những người am hiểu và có kiến thức trong lĩnh vực này để được tư vấn, hỗ trợ các vấn đề pháp lý cần thiết trước khi đưa ra quyết định cuối cùng đồng thời giúp bạn tiến hành các thủ tục cần thiết một cách chính xác và ngắn gọn nhất. Và Luật Minh Gia có thể giúp bạn trong vấn đề này, bên cạnh đó bạn có thê tham khảo thêm thông qua tình huống chúng tôi tư vấn sau đây:
2. Tư vấn về hồ sơ ly hôn.
Câu hỏi tư vấn: Tôi muốn nhờ anh/chị tư vấn giúp tôi rõ ràng hơn về các nội dung trong đơn xin ly hôn ạ. Tôi và chồng tôi thống nhất thuận tình ly hôn và tôi là người đi làm giấy tờ. Vợ chồng kết hôn từ tháng 12/2009, ly thân từ tháng 5/2015. Đã có 2 con và không tranh chấp bất cứ vấn đề gì. Hôm nay tôi có ra Tòa Án Nhân Dân để mua đơn, em định mua mẫu đơn yêu cầu thuận tình ly hôn, nhưng P.Văn thư bán cho em mẫu đơn ly hôn, bảo là viết mẫu này được và khuyên em là viết tên của chồng em lên trước, rồi đưa chồng ký và chỉ cần 1 người ký thôi là được? Sau đó đưa cho tổ trưởng tổ dân phố chỗ em đang ở xác nhận, rồi qua phường xác nhận lần nữa và đem nộp lại cho Tòa. Nhưng em vẫn băn khoăn sao người đứng đơn lại phải là chồng em và chỉ cần chồng em kí trong khi là ly hôn đồng thuận? Và nếu chồng em đứng đơn thì em đưa ra tổ trưởng dân phố chỗ em ở người ta xác nhận cho được, chưa kế sau đó còn mang ra phường xác nhận lần thứ hai. Cách ghi lý do làm sao cho Tòa chấp nhận nhanh.Tha thiết mong anh/chị chỉ bảo em với ạ, không chồng một nơi vợ một nơi thì mỗi lần chờ chồng em về ký giấy tờ rất mất thời gian ạ. Em cảm ơn các anh/chị! Trân trọng.
Luật sư tư vấn: Cảm ơn chị đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của chị, chúng tôi tư vấn như sau:
Thứ nhất, mẫu đơn thuận tình ly ly hôn.
Căn cứ theo Điều 55 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về thuận tình ly hôn, như sau:
“Điều 55. Thuận tình ly hôn
Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”
Xét trong tình huống của chị, nếu chị và chồng đều đồng ý về tất cả vấn đề theo quy định trên, đồng ý ly hôn thì trường hợp này được xác nhận là thuận tình ly hôn. Chị có thể yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn.
- Hồ sơ xin thuận tình ly hôn, bao gồm:
+ Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn;
+ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
+ Chứng minh nhân dân của vợ và chồng (bản sao có chứng thực);
+ Sổ hộ khẩu gia đình (bản sao có chứng thực);
- Nơi nộp hồ sơ: Tòa án nhân dân quận/huyện nơi cư trú, làm việc của một trong hai bên. Chị có thể nộp tại Tòa án nhân dân quận/huyện nơi đăng ký thường trú của chị hoặc của chồng chị.
Vì vậy, trong trường hơp này việc Phòng Văn thư đưa cho chị mẫu đơn ly hôn và chồng chị viết tên, ký tên vào mẫu đơn đấy là sai với quy định pháp luật.
Tuy nhiên, trên thực tế để giải quyết vụ việc này một cách nhanh chóng thì có một số Tòa vẫn làm theo thủ tục này vì bản chất của thuận tình ly hôn là việc dân sự vì thế các phiên hòa giải phải có sự tham gia của Viện Kiểm sát, nếu vắng Viện Kiểm sát thì phiên hòa giải phải tạm hoãn. Còn bản chất của ly hôn đơn phương là vụ án dân sự vì thế các phiên hòa giải không cần sự tham gia của Viện Kiểm sát và nếu tại phiên hòa giải, vợ hoặc chồng đồng ý ly hôn thì tòa án lập biên bản hòa giải thành và công nhận thỏa thuận ly hôn của hai vợ chồng, lúc này thời gian tố tụng ngắn hơn.
Và theo điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trong thủ tục đơn phương ly hôn hồ sơ nộp tại Tòa án nhân dân quận/huyện nơi bị đơn cư trú hoặc làm việc, vì thế trong tình huống trên Phòng Văn thư đã hướng dẫn chồng chị là người viết và ký vào mẫu đơn đó vì đơn này được nộp tại Tòa án nhân dân nơi chị đăng ký thường trú.
Thứ hai, về việc xác nhận của địa phương nơi cư trú.
Theo khoản 4 điều 189 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015 quy định về hình thức, nội dung đơn khởi kiện; như sau:
"Điều 189. Hình thức, nội dung đơn khởi kiện
4. Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
b) Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
c) Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;
d) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);
đ) Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là các nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức, sổ điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;
e) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có)
Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
g) Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
h) Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
i) Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì trong nội dung của đơn khởi kiện không cần phải có dấu xác nhận của địa phương nơi chị đang cư trú.
Tuy nhiên, theo điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về hôn nhân và gia đình. Do đó, có thể Phòng Văn thư yêu cầu chị có xác nhận nơi cư trú để tạo thuận lợi cho việc giải quyết ly hôn của chị. Nếu trong trường hợp, chị sợ chồng đứng đơn khi đưa ra tổ trưởng dân phố không xác nhận cho chị thì chị có thể liên hệ UBND xã để làm đơn xin xác nhận nơi cư trú rồi nộp cho Tòa án nhân dân.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề chị yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ chị vui lòng liên hệ đến Luật Minh Gia chúng tôi để được giải đáp.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất