Mạc Thu Trang

Tranh chấp tài sản khi không đăng ký kết hôn

Hiện nay trên thực tế có một thực trạng về việc chung sống như vợ chồng giữa nam và nữ nhưng không thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định. Việc chung sống nhưng không đăng ký kết hôn sẽ dẫn đến những rủi ro cho các bên đặc biệt là rủi ro liên quan đến tài sản. Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, quý khách có thể tham khảo nội dung dưới đây:

1. Đăng ký kết hôn là gì? Trình tự thủ tục như thế nào?

Đăng ký kết hôn được hiểu là thủ tục khi mà nam nữ tự nguyện, có đủ điều kiện kết hôn theo quy định pháp luật, cùng nhau thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền, được cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn, ghi vào sổ hộ tịch và trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho các bên.

Để được đăng ký kết hôn các bên nam nữ phải đáp ứng được các điều kiện sau:

- Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

- Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

- Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định đó là: kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo; Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ; Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

Khi đủ điều kiện đăng ký kết hôn, để được công nhận quan hệ vợ chồng hợp pháp và có đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ của vợ chồng, hai bên nam nữ phải đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền.

Đối với trường hợp nam nữ là công dân Việt Nam thì thủ tục đăng ký kết hôn được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nam hoặc nữ đang cư trú. Đối với trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài thì thủ tục đăng ký kết hôn được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi nam hoặc nữ là công dân Việt Nam đang cư trú.

Để được đăng ký kết hôn, công dân cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:

- Tờ khai đăng ký kết hôn;

- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân;

- Giấy tờ tùy thân của các bên bao gồm căn cước công dân, hộ chiếu…;

- Giấy khám sức khỏe (với trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài.

Sau khi đã thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định công dân sẽ được xác định là vợ chồng hợp pháp và có các quyền lợi và nghĩa vụ của vợ chồng liên quan đến các vấn đề như tài sản, con cái… Việc đăng ký kết hôn cũng là căn cứ để giải quyết các vấn đề liên quan đến ly hôn tại cơ quan có thẩm quyền.

Trong trường hợp nam nữ chỉ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì có thể sẽ dẫn đến rủi ro cho các bên đặc biệt là rủi ro trong vấn đề liên quan đến tài sản. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp việc xác định tài sản thuộc sở hữu chung hay riêng là vấn đề vô cùng khó khăn, từ đó có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên.

2. Giải quyết tình huống phân chia tài sản khi không đăng ký kết hôn

Nội dung câu hỏi: Năm 2021 tôi lấy chồng nhưng không làm giấy đăng ký kết hôn có chung một người con. Lúc con được 6 tháng tuổi tôi đã về nhà mẹ sống cho đến giờ và không liên lạc gì với bên chồng do tôi đổi số điện thoại để tránh bị làm phiền (do chồng tôi không biết làm ăn, hay đá gà đánh bài, đánh đề, đe dọa tôi là sẽ đem bệnh HIV về lây cho tôi). Gia đình bên kia cũng không thăm nom hay chu cấp nuôi con. Tôi xin hỏi sau này tài sản mà tôi có, bên kia có được quyền tranh chấp hay không do có con chung. Và tôi cần giải quyết ly hôn hay không. Hay chỉ cần xin giấy chứng nhận độc thân là được. Xin luật sư tư vấn giúp tôi cám ơn!

Trả lời: Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với trường hợp chị đang vướng mắc Luật Minh Gia tư vấn như sau:

Tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân như sau:

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

…”

Tại Khoản 13 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, được tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân.

Theo quy định nêu trên thì tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng. Đối chiếu với trường hợp của chị, chị và cha cháu bé không đăng ký kết hôn do đó anh chị không được xác định là vợ chồng hợp pháp, từ đó các tài sản do chị tự tạo lập không được xác định là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, nếu người còn lại muốn tranh chấp thì họ phải chứng minh được họ có công sức đóng góp hoặc cùng tạo lập nên các tài sản này với chị.

Do anh chị không đăng ký kết hôn do đó không phải là vợ chồng hợp pháp, nếu anh chị có tranh chấp về tài sản hoặc con cái thì có thể yêu cầu Tòa án không công nhận quan hệ vợ chồng và giải quyết các vấn đề về tài sản, con cái theo quy định.

Trong trường hợp chị có đăng ký kết hôn với người mới, chị chỉ cần cung cấp giấy xác nhận tình trạng độc thân do cơ quan có thẩm quyền cấp là có thể đăng ký kết hôn với người mới.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo