Đinh Thị Minh Nguyệt

Tranh chấp quyền nuôi con trực tiếp khi ly hôn

Hiện tại tôi có 2 cháu, bé gái đầu sinh tháng 9/ 2016, bé trai sịnh tháng 4/2019. Trong quá trình sinh sống xảy ra nhiều va chạm nên quyết định ly hôn. Hai vợ chồng đã thỏa thuân về quyền nuôi con nhưng không thỏa thuận được. Hỏi khi ly hôn thì tranh chấp quyền nuôi con như thế nào?

Kính gửi anh/chị,Hiện tôi đang có nguyện vọng muốn ly hôn và có tranh chấp quyền nuôi con cần tư vấn. Vậy tôi viết thư này mong có thể nhận được hỗ trợ giải đáp thắc mắc từ công ty luật Minh GiaTôi hiện tại 27 tuổi, chồng tôi hiện tại 33 tuổi. Chúng tôi kết hôn tháng 12/2015. Tính đến hiện tại đã có hai cháu. Bé đầu con gái sinh tháng 9/2016, bé thứ hai con trai sinh tháng 4/2019.Trong quá trình chung sống chúng tôi xảy ra rất nhiều va chạm, đặc biệt là mối quan hệ giữa tôi và mẹ chồng không được tốt. Hai bên thông gia thường xuyên xích mích, đi nói xấu nhau, do hai chúng tôi cùng quê. Tôi đã quyết định viết đơn ly hôn, trong đó tôi nuôi hai con. Nhưng chồng tôi không đồng ý. Chồng tôi đòi nuôi bé lớn, còn bé nhỏ do tôi nuôi.Mức lương hiện tại của tôi là 19tr/tháng, còn chồng tôi là hơn 8tr/tháng. Công việc của tôi thì bận theo thời điểm, khi có chiến dịch thì khá bận, còn lại cũng bình thường. Còn chồng tôi thì nhàn hơn, tuy nhiên lại hay phải đi công tác, có thời điểm không ở nhà gần 1 năm. Hiện tại chúng tôi đang ở nhà ông bà ngoại mua cho trên hà nội (nhà này do ông bà đứng tên), còn trước đây khi chưa lấy vợ thì chồng tôi ở tạm trong cơ quan chứ cũng chưa đi thuê nhà bao giờ. Hai bên ông bà nội ngoại đều ở quê nhưng bố mẹ đẻ tôi đã mua một căn hộ trên hà nội dự kiến sang năm sẽ nhận nhà.Theo suy nghĩ của tôi thì về điều kiện kinh tế tôi hoàn toàn phù hợp nuôi cả hai bé hơn bố cháu, nhất là khi bố mẹ tôi cũng sắp lên hà nội ở. Hơn nữa bé đầu là bé gái, ở với mẹ vẫn hợp lý hơn là ở với bố. Tuy nhiên tôi vẫn rất lo lắng, nếu chúng tôi tranh chấp quyền nuôi con tại tòa thì khả năng tôi giành được quyền nuôi cả hai bé có cao không, khoảng bao nhiêu phần trăm?  Hơn nữa bé đầu do bà nội lên chăm từ bé, tôi không biết liệu đây có phải một lợi thế cho bố cháu khi giành quyền nuôi con không. Nếu như ra tòa, tôi đưa yếu tố bé đầu có thể sống với mẹ kế thì liệu có nên không, vì khả năng chồng tôi tái hôn cao hơn tôi rất nhiều. Tôi thật sự rất lo sợ nếu không giành được quyền nuôi cả hai cháu. Tôi thành thật mong nhận được tư vấn từ phía quý công ty. Xin chân thành cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ quy định tại Khoản 03 Điều 81 Luật HNGĐ 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn:

“ 3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn có 2 cháu: bé đầu con gái sinh tháng 9/2016, bé thứ hai con trai sinh tháng 4/2019. Như vậy hiện nay bạn có 1 cháu đã trên 36 tháng tuổi và 1 cháu dưới 36 tháng tuổi. Căn cứ theo quy định trên thì khi bạn có đủ căn cứ chứng minh bạn đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con thì cháu dưới 36 tháng tuối (cháu trai sinh tháng 4/2019) sẽ được giao trực tiếp cho chị nuôi dưỡng.

Nếu chị muốn giành quyền nuôi cả 2 cháu thì chị phải đưa ra chứng cứ chứng minh với tòa án rằng, chị có điều kiện tốt hơn chồng chị về mọi mặt để nuôi con phát triển tốt cả về thể chất lẫn tinh thần như:

+ Thu nhập hàng tháng (có đảm bảo để nuôi 2 cháu hay không?)

+ Chỗ ở ổn định (Có đảm bảo để 2 cháu có chỗ ở lâu dài hay không??

+ Môi trường sống (Có đảm bảo cho sự phát triển cả về tinh thần lẫn thể chất của 2 cháu hay không?)

+ Thời gian làm việc (Bạn có thời gian để chăm sóc 2 cháu hay không?)

+ Hành vi của cha mẹ (Có ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần và sự phát triển của trẻ)

Và chị có thể đưa ra chứng cứ để chứng minh chồng chị không thỏa mãn một trong các điều kiện nuôi con trên. Khi chị giành được quyền trực tiếp nuôi con thì thì chồng chị có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Mức cấp dưỡng nuôi con có thể vợ chồng anh chị tự thỏa thuận, nếu không nhờ tòa giải quyết.

Mức cấp dưỡng sẽ được quy định căn cứ theo Điều 116 Luật hôn nhân và gia đình.

“ 1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”.

Căn cứ theo quy định tại Điều 117 Luật hôn nhân và gia đình quy định về phương thức cấp dưỡng.

“Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.

Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”.

Như vậy đối với quy định về mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng thì 2 vợ chồng chị hoàn toàn có thể thỏa thuận. Nếu trong trường hợp không thỏa thuận được thì có thể Yêu cầu Tòa án giải quyết căn cứ theo quy định trên.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo