Tranh chấp nuôi con khi chưa kết hôn giải quyết thế nào?

Cho tôi hỏi quyền nuôi con khi không đăng ký kết hôn như sau: Tôi và bạn gái tôi quen nhau và đã có với nhau một đứa con gái. Chúng tôi chưa đăng kí kết hôn. Bây giờ bạn gái tôi lại muốn kết hôn với một người khác...

Vì đứa bé là con tôi nên tôi không chấp nhận, tôi muốn giành lấy đứa bé nhưng gặp phải sự phản đối từ gia đình bạn gái. Xin luật sư giúp tôi, tôi phải làm gì trong trường hợp này để giành lại con và quyền làm cha đứa bé? Nếu bạn gái tôi kết hôn với người khác và làm giấy khai sinh cho đứa bé rồi thì tôi phải làm sao? Xin cảm ơn luật sư, chúc luật sư sức khỏe!

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Qua câu chuyện của bạn, trước hết bạn nên bình tĩnh và thẳng thắn trao đổi với bạn gái về nguyện vọng của bạn, về những khúc mắc hai bạn gặp phải nên không thể đến với nhau. Nếu có thể hàn gắn và hai bạn đi đến kết hôn với nhau bằng sự tự nguyện là giải pháp tốt nhất và bé sẽ được sống chung với bố và mẹ. Bạn cũng có thể cùng bố mẹ bạn đến nói chuyện trực tiếp với gia đình bạn gái về vấn đề làm giấy khai sinh cho bé và xin được thực hiện quyền nuôi bé.

1. Quyền cha nhận con khi chưa đăng ký kết hôn

Nếu bạn lo lắng mẹ của con bạn không công nhận bạn là cha đứa bé và đứa bé có thể khai sinh không có tên bạn hoặc người khác nhận làm cha đứa bé thì bạn đăng ký nhận con tại Ủy ban nhân dân xã nơi bạn cư trú theo Luật Hộ tịch 2014.

“Điều 24. Thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con.

Điều 25. Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con

1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.”

Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con tại Điều 11 Thông tư 15/2015/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật hộ tịch và nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hộ tịch.

2. Về việc đăng ký khai sinh cho con

Thủ tục đăng ký theo quy định tại thông tư 15/2015/TT-BTP như sau:

“Điều 12. Kết hợp giải quyết việc đăng ký khai sinh và nhận cha, mẹ, con

Khi đăng ký khai sinh cho trẻ em mà có người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con thì cơ quan đăng ký hộ tịch kết hợp giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh và thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con như sau:

1. Hồ sơ gồm:

a) Tờ khai đăng ký khai sinh và Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;

b) Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật hộ tịch;

c) Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 11 của Thông tư này.

2. Các giấy tờ khác, trình tự giải quyết được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 16 và Điều 25 của Luật hộ tịch trong trường hợp thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã; theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 36 và Điều 44 của Luật hộ tịch trong trường hợp thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Nội dung đăng ký khai sinh xác định theo quy định tại Điều 4 của Nghị định số 123/2015/NĐ-CP. Giấy khai sinh và Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con được cấp đồng thời cho người yêu cầu.”

3. Giành quyền nuôi con

Do bạn và bạn gái chưa đăng ký kết hôn nên tranh chấp về quyền nuôi con sẽ được giải quyết như trường hợp ly hôn.

Theo quy định tại Luật hôn nhân và gia đình 2014:

“Điều 68. Bảo vệ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con

1.Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.”

Như vậy, đứa bé sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của bạn và mẹ đứa bé. Dù hai bạn chưa đăng ký kết hôn nhưng đều có quyền và nghĩa vụ với đứa con được sinh ra và ngược lại.

“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Bạn và mẹ cháu bé có thể thỏa thuận về quyền nuôi con. Nếu không thể thỏa thuận có thể yêu cầu tòa án giải quyết. Con bạn sinh ra dưới 36 tháng tuổi sẽ do người mẹ trực tiếp nuôi để thuận lợi cho việc chăm con khi con mới sinh ra hoặc do bạn nuôi nếu người mẹ không đủ điều kiện theo quy định của điều luật trên hay bạn và mẹ đứa bé có thỏa thuận để bạn nuôi đứa bé. Tất cả sẽ vì đảm bảo lợi ích của đứa con được sinh ra. Tòa án sẽ xem xét các yếu tố để đưa ra quyết định con do ai nuôi dưỡng như điều kiện vật chất (thu nhập, tài sản, điều kiện sinh hoạt…) và điều kiện tinh thần (tình cảm, thời gian…). Để giành được quyền nuôi con bạn phải chứng minh được bạn đáp ứng được cả điều kiện về vật chất và tinh thần tốt hơn mẹ cháu bé

Về vấn đề cấp dưỡng theo luật hôn nhân và gia đình 2014

“Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

3.Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Điều 110. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con

Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.”

Dù con bạn ở với mẹ hay bố thì người còn lại phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo các điều luật trên trừ trường hợp người kia không yêu cầu nghĩa vụ cấp dưỡng. Hình thức cấp dưỡng sẽ do bạn và mẹ cháu bé thỏa thuận. Trong trường hợp không thể thỏa thuận được sẽ do tòa án xác định. Để chi tiết hơn về mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng bạn có thể tham khảo luật hôn nhân và gia đình 2014.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169